TÁC GIẢ
TÁC PHẨM






. Sinh quán Hà Nội

. Tốt nghiệp các Đại học :
- Đại Học Sài Gòn.
- Đại Học ngoại ngữ Tokyo.
- Cao Học Giáo Dục Đại Học Tokyo.

. Hiện sống và làm việc tại Nhật Bản.





THƠ

PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 1
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 2
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 3
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 4
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 5
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 6
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 7
PHÓNG DỊCH THƠ ĐƯỜNG 8 : NHỮNG BÀI THƠ TRƯỜNG TƯƠNG TƯ
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 9
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - THƠ LÝ HẠ
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - THƠ LÝ THƯƠNG ẨN
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - MÙA XUÂN 1
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - MÙA XUÂN 2
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - MÙA XUÂN 3
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - MÙA XUÂN 4
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI : THƠ ĐỖ PHỦ
THÁNG SÁU
BUỒN THÁNG SÁU
ĐƯỜNG THI
NHỚ
TÌNH CÁT
KOKUBUNJI
NHỚ
NÍU
ĐỐ
HỎI
BƠI
GIẤU 2
GIẤU 1
RỒI MỘT NGÀY
THƠ MÙA ĐOM ĐÓM
THƠ MƯA THÁNG BẢY
NHỚ 2
NGÕ NHỎ QUÊ HƯƠNG
GIẬN
CÀ PHÊ ĐẮNG
SÁCH
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI : THƠ ĐỖ PHỦ 2



ĐOẢN VĂN & TRUYỆN

CĂN NHÀ CÓ BỐN PHÒNG
KỶ NIỆM VỀ TẾT
CON MÈO ĐÃ SỐNG MỘT TRIỆU LẦN 
TRUYỆN NGƯỜI ONMYOJI 
BA CỦA Y
HOTARU MATSURI -ĐÊM HOA ĐĂNG ĐẦU HẠ
CÀ PHÊ ĐẠO
TRONG VƯỜN VẠN DIỆP
CON GÁI
CHÔN CHẶT NIỀM RIÊNG
NẮP KENG
VƯỜN CỎ



BIÊN DỊCH

CHUYỆN PHIẾM VỀ 12 CON GIỐNG
CỔNG RASHOMON CỦA ĐẠO DIỄN KUROSAWA AKIRA













 














VƯỜN CỎ

- Yêu Hoa -

Apatô là một chung cư bằng gỗ giống một tòa nhà lớn có hai tầng, nhiều phòng. Apatô lớn lắm cũng chỉ có chừng mười hộ.

Lúc đầu Y tính dọn vào ở tầng dưới, có lối vào thật rộng đủ cho hai chiếc xe hơi, có sân cỏ bề ngang rộng tới vài mét, mà phòng lại ở đầu hồi, có vườn có sân bao quanh  Ở đầu hồi này có một cây hoa phù dung màu hồng rất đẹp và một cây mơ, một bụi dứa khá cao mọc sát hàng rào. Nhưng người thuê phòng kế bên cạnh là một người đàn ông,  Y đành dời lên tầng hai ở đầu hồi bên kia, phía không có mấy bụi hoa, nhưng người thuê nhà trên lầu toàn là phụ nữ.  Y để vài chậu hoa ở phía ban công. Nào dè khi tưới hoa, nước thấm vào các thanh gỗ lát sàn nhỏ giọt xuống nhà dưới, bị người thuê phòng ở tầng một tức tốc chạy lên gõ cửa mắng vốn. Đó cũng lại là một người đàn ông. Y hoảng hốt vội vàng cam kết sẽ không trồng hoa, không để nhỏ nước xuống nhà dưới. 

Vậy là suốt trong gần một năm ở apatô chẳng có hoa lá chi cả. Tuy nhiên Y có thể đi dạo quanh apatô ngắm hoa cỏ trong các vườn nhà chung quanh. Khu này nhà nào cũng có vườn rộng. Thỉnh thoảng khi đi qua các hiệu bán hoa gần ga hay trong phố, Y hay đứng lại ngắm nghía. Hoa ở hiệu thì đủ loại, nhiều gấp bội hoa trồng trong vườn nhà, và lúc nào cũng rực rỡ tươi thắm. Y tự nhủ cứ xem đây là các vườn hoa của mình và thích thú với khám phá mới mẻ này: được ngắm hoa đẹp mà không phải tưới cây mỗi sáng chiều, nhất là không phải lo cắt cành.  Suốt thời gian ở apatô Y được nhàn nhã khỏi thắc thỏm lo lắng và bận rộn với công việc làm vườn suốt từ mùa xuân sang cuối thu, mà thường thường Y vẫn phải luôn tay cắt tỉa cành cây hay dây leo, kẻo chúng vươn sang các nhà hàng xóm. Rồi lo quét lá vàng rơi, hay lá rụng bay tứ tán sang cả sân nhà cả xóm mỗi khi trời giông bão.  Coi vậy mà cũng bận khiếp, ngày nghỉ cuối tuần nhiều khi trôi qua vùn vụt chỉ vì lo làm vườn. Nay khỏi làm vườn bỗng có được thêm ngày rộng tháng dài, dôi ra không biết bao nhiêu thì giờ để làm chuyện khác. Hai bàn tay đỡ lấm lem đất cát, đỡ bị cào xước vì gai góc. Mùa thu đến, gần apatô là dẫy hàng cây hồng đỏ ối lũng liễng đầy trái. Lá vàng khô theo gió xào xạc dưới chân, tha hồ đứng ngắm, chẳng bù cho lúc còn ở nhà mình thì đầu óc lại bị ám ảnh bởi hình ảnh ông cụ hàng xóm khó tính sau nhà, thế nào cũng gọi điện sang, hối quét lá vàng.

  Ngày tháng trôi qua mau, Y đã dọn về nhà tạm xong, chỉ còn khoản xây tường rào và trồng hoa lá cây cối trong vườn. Một ý nghĩ lười biếng bỗng nẩy ra trong đầu, Y bàn với người thợ làm vườn :

-Ông hãy nghĩ kiểu vườn nào đẹp mà đỡ mất công chăm sóc dùm. Gần đây sao thấy làm vườn mất thời giờ quá ! Ở apatô không có vườn nên có lẽ tôi sinh thói làm biếng mất rồi !   

Ông thợ nhanh nhảu :

-Vườn đá ! Bà khỏi lo, tôi sẽ làm vườn đá cho bà, bảo đảm với bà là tôi sở trường về kiểu vườn xếp đá sỏi !

Y hơi hoang mang :

-Nói vậy thôi nhưng mà chỉ sỏi với đá thôi sao ? Cũng phải có hoa và cây cối một chút chứ ? Ý tôi chỉ muốn nói là ông chọn dùm cây nào đừng có đâm  cành mau quá tôi phải lo cắt mệt lắm !

-Được rồi, tôi sẽ chọn các cây chỉ mọc cao lên mà ít ra cành ngang cho bà.

Y lại nhắc :

-Nhưng mà cũng phải có hoa chứ. Tôi muốn để chậu trồng ivy geranium trên các trụ hàng rào. Và dĩ nhiên cũng phải có hoa trong vườn. Vườn hoa cũ của tôi mấy ông bỏ lại gần hết nhưng vẫn còn nhiều loại mà.

-Bà đừng lo, tôi sẽ trồng hoa ngũ sắc màu vàng cạnh những tảng đá xếp hai bên lối đi cho bà. Sau vườn sẽ có một cây mộc lan trắng ít khi rụng lá, còn bao nhiêu là cây trong vườn cũ của bà thì tôi chọn cây nào lá xanh tươi quanh năm như mimosa, thiên tuế, yukiyanagi, kodemari, mokkobara, hoa lài v.v. đem trồng lại.

-Còn mấy cây hoa hồng nữa ?

 -Xin bà đừng buồn, hoa hồng vốn rất yếu nên các cây hồng của bà đã chết gần hết rồi.

Y kêu lên thảng thốt :

-Mấy ông làm vườn giỏi mà sao lại làm chết hết hoa hồng của tôi vậy chứ !  

Người thợ làm vườn liến thoắng biện bác:

-Chúng tôi đã chăm sóc cây rất cẩn thận, còn sống chết là do khí hậu và sức mạnh của từng loại, tùy vào thời điểm bứng cây khỏi vườn. Một khi cây bị bứng từ dưới vườn đem trồng vào chậu thì khó có thể bảo đảm sẽ còn sống hết được !

  Được lời yêu cầu “muốn làm biếng” của Y, ông thợ trổ tài trải sỏi và xếp đá khắp vườn. Bên các phiến đá đó ông trồng những bụi hoa ngũ sắc tuyền một màu vàng, và hoa gì nữa li ti màu trắng. Thêm một vài bụi cây chi nửa như xương rồng, nửa như cỏ lau quanh năm không rụng lá.   Quanh nhà, trên các trụ hàng rào là ivy geranium màu đỏ thẫm xen với mầu trắng ngần. Vườn bây giờ thật giản dị, nhưng cũng có vẻ đơn điệu,  các loại hoa chỉ gồm hai màu vàng và trắng, trông buồn bã cô đơn. Không có đất cho hoa sumire tím dại mọc đó đây, không còn chỗ cho các loại cỏ dại như hoa dấp cá màu trắng, cỏ đuôi mèo màu hồng, các loại lan huệ núp bóng dưới các cây cao trong vườn ngày trước. Sỏi phủ kín mặt đất, không có một chỗ trống nào cho Y có thể trồng thêm một vài cụm pensée hay hỏa hoàng, cúc bướm. Không còn góc vườn cho các loại rau thơm,rau húng. Ông thợ làm vườn nói rằng màu sắc chính của vườn, tuyệt đối phải là hai màu trắng hay vàng nhạt, cho hợp với màu tường. Bồn hoa trước nhà ông cũng “cấm” trồng hoa nốt, ngoài ivy geranium trên các trụ rào, chỉ có vài cây thân cao vút mà thon, dòng họ cypres, không trổ cành ngang, dưới sát mặt đất cũng là một loại cây gì lá như lá thông mà bò ngang phủ kín mặt đất . 

Bàn làm việc của Y giờ lại đặt ở tầng hai, cạnh ban công, không còn ở tầng một, để lúc nào cũng có thể nhìn ra vườn hoa như trước.  Trên ban công người ta không làm chỗ trồng hoa, như thể để làm nổi bật vẻ đẹp chính hình dáng của ban công, mà không cần điểm xuyết gì thêm. Quanh Y không còn mầu xanh của lá cây, những lá còn xanh tươi, có nhựa luân lưu trong từng gân lá. Không phải là những nhánh hoa đã lìa cành cắm trong lọ với một chút nước còn hút được, trữ nơi cuống, khi cắt cuống hoa trong chậu nước. Đó chỉ là những cành hoa thực ra không còn sự sống.   

Mùa hè.

Hè nắng chói chang đến khô héo cả người. Nắng từ ban công soi thẳng vào ghế của Y, nhiều khi giữa ban ngày mà Y phải kéo màn che nắng cho đỡ nóng. Nắng còn soi vào từ khung cửa trổ trên cao. Từ khung cửa này có thể nhìn thấy ánh trăng ban đêm, nhưng ban ngày nắng cũng từ đó chan hòa khắp phòng làm Y tưởng chừng da mình muốn cháy sạm. Nắng cùng gió còn đem theo vào phòng hơi nóng khô khan. Y thoáng thấy hối hận vì đã không bố trí có thể ngồi làm việc ở tầng một. Tầng một ở nhà cũ mát rượi là vậy. Dại quá. Đã thế, bây giờ muốn ra vườn nghỉ thì dưới chân là sỏi đá, cây trong vườn mới trồng toàn là những loại thân cây thon thuôn đuột, vả không có cành ngang, không có bóng mát. Lăng tiêu và caroline jasmin màu vàng trồng lại vẫn chưa đủ lớn mạnh để leo lên giàn hoa.  Y ngồi hóng gió nơi ghế dưới giàn, thấy lòng trống trải và thấy thèm một thảm cỏ xanh dưới chân, thèm chi lạ.

Thu sang.

Mùa thu, trên triền dốc hai bên đường rầy gần nhà mùa này, công ty đường sắt đã cho xén hết các bụi lau ra hoa trắng xóa, xén luôn cả các bụi hoa vàng nào komawari ( tiểu hướng dương ), nào dã quỳ. Trên nền đất, lá dương xỉ xanh mướt, dây leo có lá hình trái tim nở hoa giống như hoa bìm yugao nhỏ xíu màu tím nhạt. Về chiều những bông hoa nhỏ đã cuốn cánh hoa vào trong, thành những đốm tím đậm điểm xuyết đó đây. Màu hoa tím buồn dưới bầu trời thu phủ đầy mây xám.Mới sáng hôm qua trời xanh đậm nhạt xa gần, mây trắng chỗ mỏng nhẹ như mà tơ, chỗ dầy xốp như những cuộn bông, chỗ rực rỡ sáng như hào quang bởi ánh thái dương chói lọi nơi mép của vầng mây, thật là tương phản với bầu trời hôm nay. Sao bầu trời và mây trời lại trở mầu buồn bã mau đến thế .

Những ngày thu ủ dột thế này cũng là lúc quế hoa vàng trước nhà cũ rực nở lấm tấm, mùi thơm rạo rực nồng nàn. Công ty làm vườn đã đốn bỏ hết viện cớ không hợp với kiểu nhà mới, cả những cây hải đường, cây lạp mai, cây cẩm tú cầu, cây lồng đèn..

Y dạo bước theo vệ cỏ, chân không định mà cứ thế bước tới mãi, chẳng mấy chốc đã ra đến gần cổng ga xe lửa, rồi đến hiệu bán hoa và cây cảnh. Ông thợ làm vườn đã dọa : Hễ bà trồng thêm hoa là khu vườn này sẽ thành cái rừng, các cây hoa sẽ yếu ớt và bồn hoa nhìn lộn xộn lắm. Cũng tại vậy mà lâu nay Y như cũng cố ý không dám lai vãng hiệu hoa. Chỉ sợ lại mua về lúc nào không hay. Ngày trước có cuối tuần nào mà Y không ghé lại mua hoa, mỗi lần vài chậu nhỏ.

Y đứng ngắm hoa hồi lâu, vô tình đưa tay sắp xếp lại ngay ngắn các chậu hoa đã bị khách hàng nhấc lên chọn rồi để lộn xộn trên giá. Cô bán hoa chạy ra cám ơn rối rít, và như chợt nhớ, cô hỏi:

-Lâu nay bà đi đâu mà không thấy bà tới mua hoa

Y lúng túng tìm lời giải thích. Còn “tiếng lòng” thì được dịp thì thầm thôi thúc: dù sao cũng cần có một chậu hoa trên ban công cho có mầu xanh, mua đi ..mua đi ..còn chần chờ gì nữa !

Y không biết như vậy có bị ông kiến trúc sư lắc đầu chê hay không. Hình như ông không thích chủ nhà bày biện rườm rà thêm thắt cái gì ngoài kiểu mẫu mà ông đã phác họa. Khi đang xây nhà, đã có lúc Y đề nghị làm thêm các bồn hoa dưới cửa sổ, nhưng ông bảo như vậy không thích hợp với kiểu cách của toàn thể ngôi nhà. Nói chi hình dáng bên ngoài, cho tới ở trong nhà, Y muốn mua thêm một chiếc tủ trong phòng ăn, ông cũng góp ý : nên chọn tủ dầy mấy chục cm, dài bao nhiêu, cao bao nhiêu, gỗ màu gì, kê ở đâu. Muốn treo một bức tranh trên tường ông liền ngăn lại, dặn chờ đó để ông gắn picture rail trên trần nhà. Có lẽ ông sợ để lại tì vết trên bức tường khi thay bức tranh khác. Ông thợ làm vườn cũng a dua nhắc khéo: Bà thấy đó, các tòa công sở hay cửa hàng thường có thợ làm vườn đến chăm sóc mùa nào thức ấy. Chúng tôi đem cây cảnh hay hoa theo mùa nào thức ấy tới thay thế cho các loại cây và hoa đã lỗi mùa, trong các bồn hoa đã xây sẵn, cho nên nhìn gọn gàng tươm tất, không lộn xộn như cách treo mắc chậu hoa la liệt quanh nhà, trên hàng rào, trong vườn …của mấy bà nội trợ hay mấy ông già chơi cây cảnh.

Mặc ai nói chi thì nói, Y nghĩ bụng sẽ phải chọn một cái chậu thật xinh và một cái bệ thật đẹp để  ngoài ban công rồi đặt chậu hoa lên đó ( để ông kiến trúc sư hay ông thợ làm vườn cũng không thể chê được ). Hoa thì Y sẽ chọn tất cả những màu mình thích để trồng chung trong chậu, mặc kệ tường màu gì, không cần hạn chế màu sắc.  Coi kìa những lá lavender mảnh mai như khăn ren của thiếu phụ và sắc hoa tím nhạt, những bông hoa hồng tiểu muội xinh xắn, hoa thạch trúc màu cánh sen và lá mảnh li ti, tiểu cúc vàng tươi. Tuy nhiều màu, nhưng các màu sẽ hoà hợp cùng nhau, không có bông hoa nào kiêu sa ngạo ngễ  đòi nổi trội một mình.  Vòng quanh chậu là một vòng lá vạn niên buông rủ quanh chiếc đài bằng thạch cao trắng, vốn là kệ để kê một bức tượng nay đã được đặt trên mặt tủ. 

Y vừa trồng cây vào chậu và khệ nệ vác bệ ra ban công xong xuôi thì trời cũng đổ mưa, như thể tưới hoa dùm cho Y.    Những cánh hoa mỏng manh và lá xanh mát rượi mượt mà bắt đầu hứng mưa, từng giọt từng giọt. Mưa thấm ướt và như chảy vào lòng người một giòng suối ngọt ngào với màu xanh ngọc của lá. Mới biết lâu nay mình thương hoa nhớ lá biết là chừng nào. Lâu lắm rồi, suốt từ khi dọn ra apatô, từ khi không được có bên mình một chậu hoa, nhìn ra cửa sổ không thấy một mảng cỏ xanh, một cành lá biếc.

Như có tiếng thầm trách móc: Thấy chưa ! Con người ta coi vậy mà dễ dối lòng chiều theo ngoại cảnh, hay chỉ vì những ngăn trở bên ngoài mà làm ngơ trước tiếng gọi của lòng. Năm, mười năm sau nữa, nếu thu về hoa quế lại ngát hương trước cửa, đông về với hoa mai trắng và lạp mai vàng tươi nở sau vườn, xuân sang hải đường đỏ rực quanh rào, những quả mơ sẽ chín rụng trên cỏ, hè về lại có những bông lồng đèn lủng lẳng bên cửa sổ, giàn nho sẽ quấn đầy hàng rào che khuất cả những cành olive bằng đồng đúc cầu kỳ, căn nhà và khu vườn có bớt đi vẻ đẹp ban đầu của một tác phẩm vừa hoàn tất theo ý người kiến trúc sư hay người thợ làm vườn, sẽ rườm rà thêm “hoa lá cành”, thì đó cũng chính là bóng dáng cuộc đời, là hơi thở của đời sống bộn bề với những buồn vui theo năm tháng. Mỗi gốc cây ngọn cỏ trong vườn cũ đều lưu giữ những kỷ niệm thân yêu, ghi lại một thời nhắc nhở một đời. Nơi gốc cây này có mộ con chim nhỏ của cậu bé con, nơi góc vườn kia mặt đất còn những dấu cọc dựng chiếc lều con cho cậu chơi trò bỏ nhà đi hoang, dưới chiếc đu kia cậu đã ngã bệt bao lần, nền cỏ vẫn dịu dàng nâng đỡ. Đó cũng là nơi mẹ chỉ cho cậu bé tìm bắt cào cào châu chấu với những dế mèn nấp dưới cỏ non.

Tiếng thì thầm vẫn thôi thúc bên tai :Vườn cỏ, vườn cỏ…

  (9/10/2007)







© CẤM ĐĂNG TẢI LẠI NẾU KHÔNG CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ .



TRANG CHÍNH TRANG THƠ CHUYỂN NGỮ BIÊN DỊCH NHẬN ĐỊNH ÂM NHẠC