TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





Tên thật Đỗ Mạnh Tường.

Sinh ngày 10-7-1932 tại Yên Bái
trong giấy tờ tuỳ thân 1936.

Khởi sự viết văn cuối 1952.

Truyện ngắn đầu tiên Đời học sinh ký Tương Huyền đăng trên nhật báo Tia sáng ở Hà Nội (17-11-1952), Ngô Vân, Chủ nhiệm).

Truyện dài đầu tiên in ở Sài Gòn: Tình Sơn Nữ (1954).

Tổng số trên 50 tác phẩm đủ thể loại: thơ, truyện, phê bình, khảo luận, dịch thuật.

Từ 1952, ở Hà Nội cộng tác với các nhật báo Tia sáng, Giang Sơn, tạp chí Quê hương, phóng viên các báo Thân Dân (Nguyễn Thế Truyền), Dân chủ (Vũ Ngọc Các) (Hà Nội: 1952-1954). Chủ nhiệm tuần báo Mạch Sống, Dương Hà chủ bút - báo chỉ xuất bản được một số rồi tự đình bản vào 1955 ở Sài Gòn.

Cộng tác viên, tạp chí ở Sài Gòn: Đời Mới, Nguồn Sống Mới, Văn Nghệ Tập San, Văn Hoá Á Châu, Tân Dân, Tạp chí Sống (Ngô Trọng Hiếu), Sinh Lực, Đời, Nhật Báo Sống, Tuần báo Đời (Chu Tử), Trình Bầy, Tiền Tuyến, Sóng Thần (Uyên Thao), Lý Tưởng,v.v… -

Đăng truyện ngắn Les Immondices dans la banlieue trên báo Le Monde Diplomatique (Paris 12-1970)

Đăng thơ trên tạp chí Tenggara, Kuala Lumpur - Malaysia) từ 1968-1972- sau in lại thành tập: Asian Morning, Western Music (Sài Gòn 1971, tựa Gs Lloyd Fernando).






BÚT KÝ & TRUYỆN


THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 1/2

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E -mail 2/2

CHÀNG VĂN SĨ ĐẤT TỀ

ĐÊM DÀI TÌNH ÁI

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 3

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA -Chương 1 Kỳ 1

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 1 Kỳ 2

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 2

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 3

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 2/2

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 3

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 3 tiếp theo

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 4

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 4

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 5

CON CHÓ LIÊM SỈ

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 6

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 5

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 7

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 8

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 9

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 10 - KẾT





BIÊN KHẢO


LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 1

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 2

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 3

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 4

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 5

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 6





Mời bạn mở để nghe
Hương Xưa của nhạc sĩ Cung Tiến.



















THAY LỜI DẪN

Lược Sử Văn Nghệ Việt Nam của nhà văn Thế Phong gồm 4 tập, đã được in 2 tập: Tập 1 NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930-1945, bản in ronéo đầu tiên ở Sài Gòn gồm 100 cuốn vào năm 1959. Bản tái bàn cuả NXB Vàng Son in 3000 cuốn ở SàiGòn vào năm 1974. Bià cuả họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi được chụp in lại trên đây , do một trong những NXB vô danh ở Mỹ in lậu ở California sau 1975 và Tập 4 : Tổng Luận đã chuyển ngữ A BRIEF GLIMPSE AT THE VIETNAMESE SCENE (from 1900 to 1956) và 2 tập 2 & 3 nói về văn nghệ kháng chiến, nhà văn hậu chiến 1900 - 1956 (văn nghệ quốc gia hay văn nghệ của VNCH) chưa bao giờ công bố trên văn đàn, mặc dù đã được lưu trữ tại một số thư viện TRONG NƯỚC (Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM, Thư viện Khoa học Xã hội Tp.HCM) và NGOÀI NƯỚC như ở Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Boston, Ithaca-New York, SIU, IOWA vv..hoặc ở Pháp, Đức, Úc..

Newvietart xin đăng tải lại một vài nhận định báo chí, văn giới về Lược Sử Văn Nghệ khi xuất bản lần đầu vào 1959 :

a) Tạp chí Bách Khoa:" ..Ông TPhong vừa cho ra một loạt phê bình văn học. Đó là ai nấy đều mong đợi, bởi vì sau một thời gian khá lâu chưa ai tiếp tay Vũ Ngọc Phan, chốc đà mười mấy năm trời' đúng một thời gian luân lạc cuả cô Kiều...."( số 56, năm 1959, TRIỀU ĐẨU)

b) Ông TP một văn nghệ sĩ thủ đô vừa viết xong và cho phát hành cuốn" Lược sử Văn Nghệ VN", trong đó tác giả phân tích các tác phẩm của văn nghệ sĩ ra đời từ 1930 đến 1945. Cuốn này được quay ronéo có bầy bán tại các hiệu sách. Sách này tác giả đã tốn nhiều công phu và sưu tầm khá nhiều tài liệu để biên soạn (nhật báo Ngôn Luận ngày 8/9/1959- Saigon).

c) ..." Điều thứ ba, sự phán đoán của anh hợp với ý tôi, phần nhiều các tác phẩm anh khen, thì tôi cũng nhận là có giá trị; những tác phẩm anh chê, thì tôi cũng không thích. các nhận xét cuả anh về Triều Sơn, Hoàng Thu Đông đều đúng cả. Đó là nhận xét của tôi; tôi phải phục sức đọc, sức viết, sức nhớ cuả anh. Cảm ơn anh một lần nữa.." (Nguyễn Hiến Lê, 12/3c Kỳ Đồng, Saigon 3- ngày 17/4/1959)

d) Nguyệt san Sinh Lực (1959, Chủ nhiệm: Võ văn Trưng- Saigon) :"...Hôm nay Thế Phong còn có thể ít nhiều nhầm lẫn-nhưng với khả năng rạt rào của tuổi trẻ, với lòng yêu văn nghệ đến đam mê, anh còn nhiều bước đi ngạc nhiên trên lãnh vực nà để đào xới lại mảnh đất hoang phê bình cảo luận bị bỏ quên trong nhiều năm. Sự cố gắng của Thế Phong là sự cố gắng hoàn toàn văn nghệ, cuả một người văn nghệ biết mỉm cười trong sự nghèo túng bản thân mình để hiến chiều dài cho văn học sử. Cũng có đôi khi ta thấy Thê Phong phê phán có vẻ độc tài và tàn nhẫn nữa; nhưng ta vẫn thấy rằng: đó là sự độc tài và tàn nhẫn không có tính cách tự cao, tự đại; hoặc dao to búa lớn; (trái lại) nhiều tinh thần thẩm mỹ, dĩ nhiên là có chủ quan. Ta quí sự nhận thức ấy- vì anh dám nói- cũng như người khác có dám cãi lại hay không là quyền của họ.." (Lê Công Tâm - Thanh Hữu, nhà văn).

e) Le Journal d'Extrême Orient (Saigon, 3 Décembre 1959)" Lược sử văn nghệ Việt nam-Hisotire de la littérature vietnamienne". Histoire sommaire de la littérature vietnamienne, òu l'auteur passe en revue les écrivains d'avant guerre 1930-1945. Cette oeuvre est tirée sur ronéo avec une tirage limitée. Fruit de minuitieuses recherches et d'une riche documentation donnée une vue d'ensemble des diverses époques et tendances des écrivains, des poètes du Vietnam, de leurs oeuvres, d'une littérature riche de plusieurs millénaires suivant le cours de l'Histoire. C'est une synthèse remarquablement coordonné annotée parle critique éminent qu'est ThếPhong qui l'achevée dans les derniers jours de Juin 1956

(đã in ở cuối sách "LSVNVN-Nhà văn tiền chiến 1930-1945 của ThếPhong, NXB Vàng Son Saigon 1974)...

Từ Vũ và Newvietart chân thành cảm tạ nhà văn Thế Phong đã cho phép đăng tải toàn bộ tập Lược Sử Văn Nghệ, tài liệu không thể thiếu cho những người yêu chuộng văn chương nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt cho những người muốn khách quan sưu tra sử liệu .




TIẾT 6

THẾ LỮ
(1907 – 1989)


Tên thật Nguyễn Đình Lễ. Trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan ghi Nguyễn Thứ Lễ. Theo tài liệu bà Nguyễn thị Khương, (vợ)- tên ông Nguyễn Đình Lễ. Bà cải chính nơi ông sinh trưởng ở Hà Nội, chứ không Lạng Sơn như trước đây lầm tưởng(11). Thế Lữ sinh năm 1907, ông là nhà thơ khởi xướng thơ mới. Thơ ông rất điêu luyện, chau chuốt; nhưng không phải loại thơ thanh xuân đô hội Xuân Diệu. Nhớ tiếc, u hoài, giọng thơ hoài cảm quá trình dân tộc hùng mạnh, nay đau xót sa trong nô lệ. Thơ ông nói lên hình tượng ấy. Đôi khi rất thống thiết như trong Nhớ Rừng. Tác phẩm đã xuất bản Mấy Vần Thơ (Đời Nay 1935), truyện như Vàng và Máu, Bên đường Thiên lôi, Trại Bồ Tùng Linh, Mai Hương và Lê Phong, Gói Thuốc Lá… Ông viết tiểu thuyết rất hay như trong Vàng và Máu. Nhận định về giá trị thơ, Hoài Thanh viết trong Thi Nhân Việt Nam:

“...Nhưng hình như có hồi Thế Lữ đã đi lầm đường. Bởi người ta nói quá nhiều nên thi nhân tưởng quê hương mình là ở trên trời và quên rằng đặc sắc của người chính là ở chỗ tả vẻ đẹp thực của trần gian...”

(Thi nhân Việt Nam)

Vũ Ngọc Phan không đồng ý kiến trên, cả quyết cho chủ ý viễn kiến nhà thơ đi trước thời đại và chính vẻ đẹp tưởng tượng đó bây giờ chưa có; nhưng sau này là vẻ đẹp trần gian vĩnh cửu.

Thành thật nhận rằng, Thế Lữ là nhà thơ mở đầu thơ mới thành công ở nước ta; vì chính ông mới là người gây được một phong trào thơ mới. Truyện dịch Liêu trai của Tản Đà mới đúng nghĩa dịch; còn Bồ Tùng Linh Thế Lữ là phóng tác. Giữa thơ và văn của ông, thì thơ Thế Lữ nổi đình đám hơn, nên người ta nhắc đến ông là nhắc đến thơ. Thế Lữ là nhà thơ chủ lực Tự Lực văn đoàn. Lập trường nhóm này có trong thơ ông không phải ít. Nhớ Rừng bộc lộ rõ rệt hướng thơ, toát ra tâm trạng đau đớn bằng lời nói con hùm bị gông cùm; lời than bằng thơ căm hờn có hàm ý cảnh tỉnh cơn u mê dân tộc hướng về cách mệnh. Thơ u hoài thời thế của ông thành công lớn lao.

Trích thơ:

NHỚ RỪNG

(Lời con hổ ở vườn Bách thú)

Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,

Ta nằm dài trong ngày tháng dần qua,

Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ,

Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm

Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,

Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi,

Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi

Với cặp báo chuồng bên vô tư lự

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ

Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa,

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng buồn hét núi

Với khi thét khúc trường ca dữ dội,

Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,

Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,

Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.

Trong hang tối mắt thần đã quắc,

Là khiến cho mọi vật đều êm hơi.

Ta biết ta chúa tể cả muôn loài

Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Sau những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

– Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,

Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,

Những cảnh sửa sang tầm thường, giả dối;

Hoa chăm, có xén, lối phẳng cây trồng;

Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng

Len những vách, những mô gò thấp kém

Dặm vùng lá hiền lành, không bí hiểm,

Cũng học đòi bắt chước cảnh hoang vu

Của chốn ngàn năm cao cả âm u

Hỡi oai linh cảnh nước non hùng vĩ!

Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị

Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,

Nơi ta không còn thấy được bao giờ!

Có biết chăng trong những ngày ngao ngán.

Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn

Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,

– Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

(Trích Mấy Vần Thơ, tập mới)

THẾ LỮ

TIẾT 7

TÚ MỠ
(1900 -1976)


Tên thật Hồ Trọng Hiếu. Sinh ngày 14-3-1900 ở Hà Nội trong gia đình nghèo nàn. Sau làm công chức trong guồng máy thực dân Pháp thống trị đất nước. Ông là nhà thơ trào phúng, châm biếm có hạng. Giọng đùa cợt lả lơi, tinh ác, đôi khi đã có chút hơi nhỏ Tú Xương. Tác phẩm xuất bản: Giòng nước ngược (2 tập, Đời Nay 1941), Nụ cười kháng chiến 1952. Được giải thưởng thơ của Hội văn nghệ (VNDCCH) năm 1951. Nhóm Tự Lực văn đoàn có một Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam văn, lý luận Hoàng Đạo, thơ mớ Thế Lữ và Xuân Diệu, và Tú Mỡ trào phúng. Cũng như hai họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân trình bày, đến cả Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu áo Lemur.

Vũ Ngọc Phan viết (12) về ông: “Thơ Tú Mỡ chính là những bài ca dao dài, có cú pháp rõ ràng, có những lớp tư tưởng rõ rệt, Tú Mỡ bao giờ dùng điển tích, hay nếu ông có dùng, cũng chỉ là những điển tích rất thường, rất dễ hiểu, phổ cập hết cả mọi người vô học đến người học thức, từ trẻ con đến ông già. Đọc thơ Tú Mỡ, mọi người đều lấy làm thú vị, tuy sức hiểu mỗi người có khác nhau. Thơ Tú Mỡ thật là thơ có tính cách Việt Nam đặc biệt...”

TIẾT 8

VŨ NGỌC PHAN
(1902 -1987)


Trước kia chúng tôi rất đỗi phân vân, khi phê bình Vũ Ngọc Phan, không biết nên ghép vào nhà văn biên khảo độc lập hay nhà văn cộng tác với Tự Lực văn đoàn. Nhưng sau, chúng tôi cho rằng Vũ Ngọc Phan; tuy không là nhà văn theo hẳn đường lối của Tự Lực văn đoàn, nhưng góp một phần lớn vào việc góp gió bốn phương cho tủ sách Gió Bốn Phương của nhà xuất bản Đời Nay và sự họp mặt với Tự Lực văn đoàn trong sinh hoạt văn nghệ, thì đương nhiên trở thành cộng sự viên nhóm ấy. Ông dịch tiểu thuyết vĩ đại của nhà văn cổ điển Nga, Léon Tolstoð qua cuốn Anna Karénine thì tất nhiên không còn lý do thắc mắc ông là nhà văn của Tự Lực văn đoàn nữa. Tác phẩm đã xuất bản: An-Na-Kha-Ninh Đời Nay xuất bản làm hai tập Tiễu Nhiên Mị Cơ. Năm 1942, ông viết bộ phê bình văn học Nhà Văn Hiện Đại gồm 4 tập, sau nhà Vĩnh Thịnh tái bản 5 tập, lần đầu Tân Dân ấn hành; Trên đường Nghệ thuật Nguyễn Du 1944), Ba Loại Văn Tân Dân 1944, Chuyện Hà Nội, bút ký…

Nói đến văn nghiệp Vũ Ngọc Phan, chỉ nên biết là nhà văn biên khảo, phê bình văn học giá trị. Còn sáng tác ít ai biết tới. Lối phê bình của ông chịu ảnh hưởng nhiều của Pháp, như André Maurois viết Études Littéraires. Phê bình văn học chia ra làm nhiều khuynh hướng, phương pháp phân tích dẫn giải đã khoa học; nhưng cũng tùy hứng. So với các nhà phê bình văn học cùng thời như Thiếu Sơn, Trương Chính, Lan Khai, Trương Tửu, Hoài Thanh, thì Vũ Ngọc Phan viết có hệ thống hơn cả. Phải nhận rằng ngành phê bình thời trước ở trong tình trạng sơ đẳng, làm sao có thể so sánh với ngoại quốc, chẳng hạn lối phê bình các nhà văn Âu Châu: Benjamin Goriély viết Sciences des lettres soviétiques (tạm dịch: Thành tựu Văn chương Xô Viết), André Gide và Stéphan Zweig viết về Dostoievski, Biélinsky viết Rêverie littéraire (tạm dịch: Giấc mơ Văn chương), R.M. Albérès viết La révolte des écrivains d’aujourd’hui (tạm dịch: Cuộc cách mạng của Nhà văn Hôm nay), giải thưởng Saint Beuve. Trong lịch sử văn chương của ta tiền bán thế kỷ hai mươi, chưa ai có công hơn Vũ Ngọc Phan. Năng khiếu nhận định văn học phê phán, tỷ mỷ có khoa học, không thiên vị là bao! Phê bình Nhà văn hiện đại, tập I, ông L.H.V(13) trên tuần báo Thanh Nghị (số 24, ngày 1-11-1942) rất xác đáng và thiết tưởng rằng đó là nhận xét tinh vi, khi nói đến Vũ Ngọc Phan: không khám phá được thiên tài mới lạ, mà chỉ phê bình nhà văn quen biết thôi. Phê bình tập đầu Nhà Văn hiện đại là phê bình chung trọn bộ:

“...Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan là một cuốn sách phê bình sẽ được mọi người chú ý, vì một lẽ giản dị là các nhà văn có tên trong sách, chúng ta vẫn còn quen biết ít nhiều. Nếu các ngài muốn tìm được một thiên tài mới lạ bị người đời không biết đến, thì các ngài sẽ thất vọng. Ông Vũ Ngọc Phan sẽ không phát minh, ông chỉ nói đến những văn phẩm đã được người đồng thời chú ý…

Ông bỏ lối phê bình đại cương, mà dùng phân tích tỷ mỷ. Lối phê bình đó, vốn để dạy học thì rất tốt. Có một thú riêng, nhưng lại có hại là tác giả phải nhắc đi nhắc lại một ý kiến và để cho độc giả có cảm giác rằng ở ông Phan không bao quát được hết văn nghiệp của người ông định nói. Nhưng dù thế nào, cuốn sách của ông Vũ Ngọc Phan tất cũng để lại trong lòng độc giả vô cùng hứng thú...”

Ý kiến trên đây thì chúng tôi rất đồng ý, một phân tích tỷ mỷ hầu hết về các nhà văn rất có lợi cho ai muốn dễ dàng tìm hiểu về một tác giả. Lẽ thứ, hai là không tìm được nhà văn có tài bị quên lãng; một khi không được nhà phê bình đồng thời nhận biết đến; có thể thiên tài bị mai một, mất phấn khởi, bỏ dở nghiệp, hoặc người phê bình lớp sau sẽ không bao giờ còn cơ hội tìm thấy. Một Dostoevskð nổi tiếng nhờ được nhà phê bình đại tài Biélinsky khám phá. Cũng như một Maðakovski trong nhóm Tương Lai gồm Essénine, Boris Pasternak, do Maxime Gorki khám phá, khích lệ, vun xới. Chúng tôi không tin rằng thời tiền chiến không bị bỏ sót thiên tài. Tuy nhiên, người ta không thể đòi hỏi nhiệm vụ ở ông Phan quá nhiều, và lấy cớ tại sao ông không tìm được thiên tài; như thế tự đặt cho ông một cương vị quá lớn, một trách nhiệm quá nặng nề. Tình trạng đáng trách là tình trạng chung cho một thế hệ nhà văn đàn anh lớp trước có quá ít, nhà phê bình văn học đầy tâm huyết với nền văn chương Việt Nam.

TIẾT 9

KẾT LUẬN VỀ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN


Phê bình đường lối chủ trương Tự Lực văn đoàn, nhà phê bình có học tiền chiến như Dương Quảng Hàm (giáo khoa) Vũ Ngọc Phan; chúng tôi bắt đầu trích đoạn của ông Phan nhận định khi viết về Khái Hưng. Ông Phan cho biết: “...Cùng loại tiểu thuyết phong tục với Khái Hưng, là Trần Tiêu và Bùi Hiển…” Khái Hưng đang sung sức sáng tác, nên ông Phan viết tiếp:

“...Về văn trước kia, người ta thấy ông viết giọng bay bướm, thường hay nhiều lời bây giờ ông viết một lối thật bình dị, thật sáng suốt, thích hợp với những ý tưởng chín chắn của một tiểu thuyết gia có nhiều lịch duyệt. Bây giờ người ta chưa thể đoán được bước đường tiến hóa của tiểu thuyết Khái Hưng, nhưng đến nay người ta thấy loại trội nhất của ông là loại tiểu thuyết phong tục. Như vậy đặt ông vào loại hay nhất của ông cũng không có gì quá đáng...”.

Ý kiến của ông Phan là như thế, còn chúng tôi ra sao, đã phân tích ở tiểu mục nói về Khái Hưng. Đến Nhất Linh, linh hồn của nhóm, Vũ Ngọc Phan viết: “...Nhất Linh cũng có tài viết chuyện ngắn, nhưng so với chuyện dài của ông, chuyện ngắn của ông không bằng. Ông vốn có tư tưởng dồi dào, lối văn ông lại vừa giản dị, vừa đài điếm nên chỉ có truyện dài ông mới bày tỏ hết tài nghệ của ông. Đọc Nhất Linh trước đến nay, người ta thấy tiểu thuyết của ông biến hóa rất mau. Từ cái tôi còn cổ lỗ như “Nho Phong”, tiểu thuyết của ông đã đi vào loại tình cảm, rồi đi thẳng vào lối tiểu thuyết luận đề là một lối rất mới ở nước ta. Đến nay, trong loại tiểu thuyết của Nhất Linh vẫn là những tiểu thuyết chiếm địa vị cao hơn cả. Những tiểu thuyết của ông đã không chịu ở yên cái địa vị ấy, rồi không biết tiểu thuyết của Nhất Linh sẽ còn đi đến những loại gì nữa, vì xem ra loại nào tác giả cũng muốn sở trường..."

Đó là nhà văn nòng cốt Tự Lực văn đoàn. Đến Hoàng Đạo, nhà văn lý luận của nhóm, Vũ Ngọc Phan viết: “Hoàng Đạo là một nhà văn sở trường về nghi luận”. Đến Trần Tiêu: “Trong tiểu thuyết của Trần Tiêu bao giờ cũng là người dân quê nghèo khổ mà mê tín. Người dân quê của ông là những người bị xiềng xích trong hủ tục nghèo… là nhà văn cho chúng ta thấy cái mặt kém cỏi người dân quên Việt Nam…”

Vừa nhận định lời phê phán Vũ Ngọc Phan về Tự Lực văn đoàn, đây là ý kiến của nhà học giả giáo khoa, ông Dương Quảng Hàm viết về Tự Lực văn đoàn trong cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu. Trích đoạn khách quan lại trình bày có ý kiến riêng:

“...Đối với phong tục cũ của ta, phái ấy (Tự Lực văn đoàn) đều nhất thiết cho hủ là đáng bỏ, thành ra có tục không đáng công kích mà cũng công kích. Vả chăng, có nhiều tập tục tuy xét về phương diện này thì có hại, nhưng về phương diện khác không phải là không hay: phái ấy có thành kiến sẵn nên chỉ trông thấy chỗ dở mà không nhận thấy điều hay, thành ra trong sự mô tả, phán đoán, có phần thiên lệch. Tỷ dụ tục đàn bà góa chồng ở vậy thờ chồng nuôi con. Đành rằng tục ấy làm cho một số người đàn bà trẻ tuổi mà muốn tái giá vì cũng có người thực bụng không muốn tái giá, nhưng sợ dư luận hoặc muốn giữ gia phong mà chịu cảnh lẻ loi, lạnh lùng, tức là phải hy sinh hạnh phúc cá nhân, song cũng nhờ tục lụy ấy mà biết bao nhiêu gia đình đáng lẽ sau khi gia trưởng chết, rồi phải lâm cảnh "vỡ đàn tan nghé" biết bao nhiêu đứa con mồ hôi cha đáng lẽ chịu số phận hẩm hiu vẫn được đoàn viên vui vẻ. Thật là cái tục ấy đã gây nên bao điều xả thân, biết bao nhiêu người mẹ cảm phục. Xem thế thì biết trong sự phán đoán các tập tục xưa ta cần phải đắn đo, cẩn thận và xét cả mọi phương diện khỏi sai lầm...”

Trương Tửu lên án Tự Lực văn đoàn gay gắt, Trương Chính khen Tự Lực văn đoàn hết nhẽ, Đào Duy Anh cũng có nhận định về văn chương Tự Lực văn đoàn (riêng ông này chưa đọc kỹ cho nên trong Việt Nam văn hóa sử cương, ông nhầm lẫn tác phẩm của người này với người kia). Giá trị của Tự Lực văn đoàn dầu sao, vẫn công nhiên phải nhận. Hai lẽ: thứ nhất, dù hành động chính trị thống trị tạo nên chăng nữa; vì Trương Tửu cho linh mục Cras (Đỗ Minh Vọng) đỡ đầu Tự Lực văn đoàn (cả tinh thần và hiện kim) thì vẫn có công trong việc tu bổ văn chương chúng ta một lối tiểu thuyết mới mẻ, thơ mới giá trị, nổi bật vào thời ấy. Thứ hai với Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ Xuân Diệu, đều là những người có công lớn với lịch sử văn nghệ tiền chiến.



CÒN TIẾP ...






© CẤM ĐĂNG TẢI LẠI NẾU KHÔNG CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ VÀ NEWWVIETART .






TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN TRUYỆN NGẮN ÂM NHẠC