TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





Tên thật Đỗ Mạnh Tường.

Sinh ngày 10-7-1932 tại Yên Bái
trong giấy tờ tuỳ thân 1936.

Khởi sự viết văn cuối 1952.

Truyện ngắn đầu tiên Đời học sinh ký Tương Huyền đăng trên nhật báo Tia sáng ở Hà Nội (17-11-1952), Ngô Vân, Chủ nhiệm).

Truyện dài đầu tiên in ở Sài Gòn: Tình Sơn Nữ (1954).

Tổng số trên 50 tác phẩm đủ thể loại: thơ, truyện, phê bình, khảo luận, dịch thuật.

Từ 1952, ở Hà Nội cộng tác với các nhật báo Tia sáng, Giang Sơn, tạp chí Quê hương, phóng viên các báo Thân Dân (Nguyễn Thế Truyền), Dân chủ (Vũ Ngọc Các) (Hà Nội: 1952-1954). Chủ nhiệm tuần báo Mạch Sống, Dương Hà chủ bút - báo chỉ xuất bản được một số rồi tự đình bản vào 1955 ở Sài Gòn.

Cộng tác viên, tạp chí ở Sài Gòn: Đời Mới, Nguồn Sống Mới, Văn Nghệ Tập San, Văn Hoá Á Châu, Tân Dân, Tạp chí Sống (Ngô Trọng Hiếu), Sinh Lực, Đời, Nhật Báo Sống, Tuần báo Đời (Chu Tử), Trình Bầy, Tiền Tuyến, Sóng Thần (Uyên Thao), Lý Tưởng,v.v… -

Đăng truyện ngắn Les Immondices dans la banlieue trên báo Le Monde Diplomatique (Paris 12-1970)

Đăng thơ trên tạp chí Tenggara, Kuala Lumpur - Malaysia) từ 1968-1972- sau in lại thành tập: Asian Morning, Western Music (Sài Gòn 1971, tựa Gs Lloyd Fernando).





BÚT KÝ & TRUYỆN


THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 1/2

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E -mail 2/2

CHÀNG VĂN SĨ ĐẤT TỀ

ĐÊM DÀI TÌNH ÁI

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 3

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA -Chương 1 Kỳ 1

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 1 Kỳ 2

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 2

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 3

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 2/2

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 3

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 3 tiếp theo

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 4

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 4

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 5

CON CHÓ LIÊM SỈ

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 6

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 5

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 7

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 8

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 9

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 10 - KẾT





BIÊN KHẢO


LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 1

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 2

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 3

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 4

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 5

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 6

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 7

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 8

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 9





Mời bạn mở để nghe
Hương Xưa của nhạc sĩ Cung Tiến.



















THAY LỜI DẪN

Lược Sử Văn Nghệ Việt Nam của nhà văn Thế Phong gồm 4 tập, đã được in 2 tập: Tập 1 NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930-1945, bản in ronéo đầu tiên ở Sài Gòn gồm 100 cuốn vào năm 1959. Bản tái bàn cuả NXB Vàng Son in 3000 cuốn ở SàiGòn vào năm 1974. Bià cuả họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi được chụp in lại trên đây , do một trong những NXB vô danh ở Mỹ in lậu ở California sau 1975 và Tập 4 : Tổng Luận đã chuyển ngữ A BRIEF GLIMPSE AT THE VIETNAMESE SCENE (from 1900 to 1956) và 2 tập 2 & 3 nói về văn nghệ kháng chiến, nhà văn hậu chiến 1900 - 1956 (văn nghệ quốc gia hay văn nghệ của VNCH) chưa bao giờ công bố trên văn đàn, mặc dù đã được lưu trữ tại một số thư viện TRONG NƯỚC (Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM, Thư viện Khoa học Xã hội Tp.HCM) và NGOÀI NƯỚC như ở Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Boston, Ithaca-New York, SIU, IOWA vv..hoặc ở Pháp, Đức, Úc..

Newvietart xin đăng tải lại một vài nhận định báo chí, văn giới về Lược Sử Văn Nghệ khi xuất bản lần đầu vào 1959 :

a) Tạp chí Bách Khoa:" ..Ông TPhong vừa cho ra một loạt phê bình văn học. Đó là ai nấy đều mong đợi, bởi vì sau một thời gian khá lâu chưa ai tiếp tay Vũ Ngọc Phan, chốc đà mười mấy năm trời' đúng một thời gian luân lạc cuả cô Kiều...."( số 56, năm 1959, TRIỀU ĐẨU)

b) Ông TP một văn nghệ sĩ thủ đô vừa viết xong và cho phát hành cuốn" Lược sử Văn Nghệ VN", trong đó tác giả phân tích các tác phẩm của văn nghệ sĩ ra đời từ 1930 đến 1945. Cuốn này được quay ronéo có bầy bán tại các hiệu sách. Sách này tác giả đã tốn nhiều công phu và sưu tầm khá nhiều tài liệu để biên soạn (nhật báo Ngôn Luận ngày 8/9/1959- Saigon).

c) ..." Điều thứ ba, sự phán đoán của anh hợp với ý tôi, phần nhiều các tác phẩm anh khen, thì tôi cũng nhận là có giá trị; những tác phẩm anh chê, thì tôi cũng không thích. các nhận xét cuả anh về Triều Sơn, Hoàng Thu Đông đều đúng cả. Đó là nhận xét của tôi; tôi phải phục sức đọc, sức viết, sức nhớ cuả anh. Cảm ơn anh một lần nữa.." (Nguyễn Hiến Lê, 12/3c Kỳ Đồng, Saigon 3- ngày 17/4/1959)

d) Nguyệt san Sinh Lực (1959, Chủ nhiệm: Võ văn Trưng- Saigon) :"...Hôm nay Thế Phong còn có thể ít nhiều nhầm lẫn-nhưng với khả năng rạt rào của tuổi trẻ, với lòng yêu văn nghệ đến đam mê, anh còn nhiều bước đi ngạc nhiên trên lãnh vực nà để đào xới lại mảnh đất hoang phê bình cảo luận bị bỏ quên trong nhiều năm. Sự cố gắng của Thế Phong là sự cố gắng hoàn toàn văn nghệ, cuả một người văn nghệ biết mỉm cười trong sự nghèo túng bản thân mình để hiến chiều dài cho văn học sử. Cũng có đôi khi ta thấy Thê Phong phê phán có vẻ độc tài và tàn nhẫn nữa; nhưng ta vẫn thấy rằng: đó là sự độc tài và tàn nhẫn không có tính cách tự cao, tự đại; hoặc dao to búa lớn; (trái lại) nhiều tinh thần thẩm mỹ, dĩ nhiên là có chủ quan. Ta quí sự nhận thức ấy- vì anh dám nói- cũng như người khác có dám cãi lại hay không là quyền của họ.." (Lê Công Tâm - Thanh Hữu, nhà văn).

e) Le Journal d'Extrême Orient (Saigon, 3 Décembre 1959)" Lược sử văn nghệ Việt nam-Hisotire de la littérature vietnamienne". Histoire sommaire de la littérature vietnamienne, òu l'auteur passe en revue les écrivains d'avant guerre 1930-1945. Cette oeuvre est tirée sur ronéo avec une tirage limitée. Fruit de minuitieuses recherches et d'une riche documentation donnée une vue d'ensemble des diverses époques et tendances des écrivains, des poètes du Vietnam, de leurs oeuvres, d'une littérature riche de plusieurs millénaires suivant le cours de l'Histoire. C'est une synthèse remarquablement coordonné annotée parle critique éminent qu'est ThếPhong qui l'achevée dans les derniers jours de Juin 1956

(đã in ở cuối sách "LSVNVN-Nhà văn tiền chiến 1930-1945 của ThếPhong, NXB Vàng Son Saigon 1974)...

Từ Vũ và Newvietart chân thành cảm tạ nhà văn Thế Phong đã cho phép đăng tải toàn bộ tập Lược Sử Văn Nghệ, tài liệu không thể thiếu cho những người yêu chuộng văn chương nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt cho những người muốn khách quan sưu tra sử liệu .




BÀI THỨ 9

TIẾT 1

KHÁI QUÁT VỀ ĐƯỜNG LỐI CỦA NHÓM XUÂN THU NHÃ TẬP

Xuân Thu Nhã Tập theo điển tích Hán học có nghĩa là: "Cỏ hoa nở dưới mặt trời, bông lúa chín vàng. Sắc đẹp mùa xuân hai mùa hoa nở quả nở trong tinh không cao nhẹ, nghĩa là hai mùa xuân ấy thực hiện được thơ cao đẹp, thanh”.

Xuân Thu Nhã Tập là nhóm văn nghệ gồm các kịch sĩ: Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh và Phạm Văn Hạnh (nòng cốt). Và nhà văn thơ cộng tác, hưởng ứng như: Nguyễn Lương Ngọc, Đinh Gia Trinh, Diệu Anh vv…

Nhóm ấy đưa ra hai phần thảo luận: cơ sở lý luận văn nghệ và sáng tác. Đặt cơ sở lý luận rồi sáng tác. Phần lý luận, nhà văn nghệ nhóm muốn phát huy đặc tính dân tộc nói riêng, Đông Phương, nói chung. Vấn đề tổng hợp hồn tính một dân tộc phải xúc tích, tĩnh mạc và diễn đạt theo phương pháp nhận định Tây Phương. Nhóm ấy không gây được một ảnh hưởng lớn như Tự Lực văn đoàn, Hàn Thuyên; nhưng khám phá được con đường mới, bồi bổ cho nền văn chương dân tộc. Tuy nhiên chưa đạt được mấy thành quả. Tìm hiểu đường lối nhóm ấy, chúng tôi cho trích đoạn văn của Diệu Anh nhận định về Xuân Thu Nhã Tập: (23)

“…Bài tiểu luận Thơ ký tên Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sách là một trong những bài giá trị trong Xuân Thu Nhã Tập, có thể nói là một công trình tư tưởng có ý vị bậc nhất trong thời đại. Bài tiểu luận thơ phát biểu những quan niệm để thực hành cái phần tiểu thừa trong chương trình của nhóm thanh niên nghệ sĩ tác giả Xuân Thu Nhã Tập gây một nghệ thuật thơ cho Việt Nam, tìm con đường thực nói liền nguồn gốc xưa với ước vọng nay. Gọi về những cái giòng sống thực của ta…” (Quan niệm, trang 12). Thơ là cái gì siêu thoát, ra ngoài ước lệ; theo ở trên thì: nó rung động ta theo nhịp điệu vũ trụ, hồn nhiên, nó hòa hợp ta trong cái đẹp và ấp ủ ta nằm trong sự thật.

Kết luận, Diệu Anh viết:

“…Xuân Thu Nhã Tập, viết với rất nhiều tâm tình và nhiều nghệ thuật, là một quyển sách khiến kẻ đọc suy nghĩ nhiều. Nay giở mấy trang, mai giở mấy trang, đọc đi đọc lại mỗi bài hai ba lượt, mỗi lượt đọc lại thêm ý vị của một vài tư tưởng, gấp mấy quyển sách lại ta thấy trong nó tự nhiên, ta để nó vào một chỗ danh dự trong tủ sách…” (trang 28, Quan niệm).

Diệu Anh đề cao, phê bình quảng cáo không ít cho Xuân Thu Nhã Tập. Nhóm này cũng bắt chước lối Dadaðsme của Pháp; muốn đưa ra con đường mới; nhưng chưa được thực hiện được nhiều – song cũng gọi là nhà văn thơ, trí thức luôn muốn tiến bộ. Biết bao nhiêu khuynh hướng: Lettrisme, Existentialisme, Surréalisme, Dadaðsme, Lettrisme...nhưng có gây nổi phong trào gì đâu? Thơ, đặc tính của thơ, phải cảm rồi mới hiểu, nói như một văn hào Trung Hoa nào đó (Lỗ Tấn), không hẳn là thiếu lý do; nếu thơ mà duy lý (rationalisme) thì không còn là thơ, mà như vậy thà viết lý luận cho xong. Thiết tưởng ý nghĩ này không xác thực, nếu không vậy, quả là những bài tiểu luận triết học tôn giáo, chính trị, bí hiểm quá thì quả thật chất thơ có diễn tả bay bướm bằng nhạc điệu đến chừng nào chăng nữa; cũng chẳng làm ai cảm động lâu được bao giờ!

Sự cố gắng khám phá con đường mới là nhã ý của nhóm ấy, ở đây chỉ nhận chân công lao nhỏ ấy mà thôi.

TIẾT 2

ĐOÀN PHÚ TỨ (1910 -1989)

NGUYỄN XUÂN SANH (1920 - )

PHẠM VĂN HẠNH (19?? - )

1. Đoàn Phú Tứ

Sinh ngày 10-9-1910 ở Hà Nội. Viết văn khi còn học lớp nhất, từ 1925- 1937 chủ trương báo Tinh Hoa. Là kịch sĩ lịch lãm và tác phẩm đã xuất bản: Những bức thư tình (1937), Ngã ba (Thời Đại), Ghen… đều là những vở kịch dài và ngắn. Năm 1942, ông cho xuất bản cuốn Xuân Thu Nhã Tập do ông và Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh chủ trương. Nhóm này còn thêm họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát cộng tác. Những

thi bản của ông đẹp, bao hàm thi tứ, nở hương thơm, như Màu thời gian, hoặc kịch phẩm giá trị như Ghen, Ngã Ba, có nhiều kịch tính; nội dung tiến bộ về mặt xây dựng nhân vật, bối cảnh như kỹ thuật. Tác phẩm của ông bao hàm một triết lý nhân sinh Á Đông, như chúng tôi vừa nhận định về nội dung Xuân Thu Nhã Tập. Phê bình Đoàn Phú Tứ, Vũ Ngọc Phan dành cho ông một trang danh dự trong Nhà văn hiện đại. Chúng tôi nhận thấy rằng ông Vũ Ngọc Phan làm tròn được giá trị xét về Đoàn Phú Tứ, bao gọn trong đoạn văn này:

“…Người ta có thể gọi Đoàn Phú Tứ là nhà soạn kịch thanh niên. Hầu hết các vở kịch của ông đều đượm sự nồng nàn của tuổi trẻ, cái tuổi mới bước chân vào đời mà phải nếm ít nhiều cay đắng biết suy nghĩ về cuộc sống yên lặng, ồn ào và phức tạp.

Cái đặc sắc trong các vở kịch của Đoàn Phú Tứ ở sự nhẹ nhàng bay bướm. Đọc ông, ai cũng phải nhận rằng ngòi bút ông thật tài hoa. Những việc cỏn con ở đời, những việc không mấy người để ý đến, ông nhận xét rất tinh tế và diễn tả thật tài tình. Ông có một tâm hồn thi sĩ, nên người ta thấy ông sở trường về cả thơ nữa. Thơ ông không nhiều, nhưng bài nào cũng kín đáo gọt rũa, kỹ càng, có khi kỹ càng quá, hóa ra mất cả vẻ tự nhiên, kém phần thành thật. Bài thơ trong kịch Hận Ly tao của ông cũng cùng một giọng như bài Mầu thời gian của ông mà ông Hoài Thanh đăng trong Thi Nhân Việt Nam. Bài Hận Ly tao người ta còn có thể hiểu được không đến nỗi uẩn khúc như trong bài Mầu thời gian…”

Đoàn Phú Tứ dưới nét nhìn Vũ Ngọc Phan nhận định, có thể nói là thật xác đáng. Trong văn chương Việt Nam, một Mầu thời gian có kỹ thuật kiêu sa, tuy nhiên hơi bí hiểm, và nhiều vở kịch tài hoa của kịch-thi-sĩ Đoàn Phú Tứ, cũng đủ cho chúng ta cảm ơn nhiều. Dưới đây trích Mầu thời gian của Đoàn Phú Tứ với lời chú và bình rất đặc biệt của Hoài Thanh:

MẦU THỜI GIAN (24)

Sớm nay tiếng chim thanh

Trong gió xanh

Dịu vương hương(25) ấm thoảng xuân tình

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi (26)

Ta lặng dâng nàng

Trời mây phảng phất nhuốm thời gian (27)

Mầu thời gian không xanh

Mầu thời gian tím ngắt(28)

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh(29)

Tóc mây một chiếc dao vàng(30)

Nghìn trùng e lệ phụng quân vương(31)

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng(32)

Duyên trăm năm đứt đoạn

Tình một thuở còn hương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngắt(33)

(Trích Ngày Nay)

BÌNH

Nói về toàn thể nên chú ý đến điệu thơ. Bài thơ bắt đầu bằng những câu dài ngắn không đều: âm điệu hoàn toàn mới. Kế đến bốn câu ngụ ngôn cổ phong, một lối thơ cũ mà các thi nhân gần đây cũng thường dùng, ông chuyển sang thất ngôn: điệu thơ hoàn toàn xưa. Lời thơ cũng xưa với những chữ phụng quân vương và những chữ lấy lại ở câu Kiều: Tóc mây một món dao vàng chia hai. Nhưng với hai câu thất ngôn dưới thi nhân đã từ chuyện người xưa trở về chuyện mình. Những chữ thiếp phụ chàng đưa dần về hiện tại. Rồi điệu thơ trở lại ngụ ngôn với hương mầu trên kia.

Thành ra ý thơ, lời thơ, điệu thơ cùng với hồn thi nhân đi từ hiện tại về quá khứ, từ quá khứ gần đến quá khứ xa, rồi lại dần dần trở về hiện tại. Hiện tại chỉ mờ mờ nhạt nhạt, nhưng càng đi xa về quá khứ, câu thơ càng thiết tha, càng rực rỡ. Nhất là từ chỗ ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn câu thơ đẹp vô cùng. Tôi tưởng dầu không hiểu ý nghĩa bài thơ người ta cũng không thể không nhận thấy cái vẻ huy hoàng, trang trọng của câu thơ (34) .

Trong thơ ta có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế.

(Hoài Thanh – Hoài Chân

Trích Thi Nhân Việt Nam, trang 112-3-4 ấn bản Nguyễn Đức Phiên 1942)

2. Nguyễn Xuân Sanh. – Tác giả Nhật ký 1940 – 1941 (văn) và nhiều thi bản, tiểu luận đăng trong Xuân Thu Nhã Tập. Là thi sĩ theo phái bí hiểm như Dadaðsme (Đa đa), đôi chút pha Surréalisme (siêu thực), nên thơ chau chuốt kỹ thuật, giầu nhạc điệu mà hồn thơ nội dung lại rỗng tuếch, bí hiểm. Thơ Nguyễn Xuân Sanh phải có Đinh Gia Trinh đi bên giải thích cái hay cái đẹp, mà nghệ thuật lại phải giải thích cái hay, cái đẹp biết bao nhiêu lần, mà người đọc vẫn chưa thông cảm nổi, tôi không muốn nói rằng đó chưa đạt tới nghệ thuật được! Thơ Nguyễn Xuân Sanh không phải chất thơ lịch lãm như Đoàn Phú Tứ, đúng hơn gần ý và tứ của thơ Nguyễn Vỹ. Trong kháng chiến Nguyễn Xuân Sanh không còn làm lối thơ ấy nữa, ông quay sang lục bát rung cảm nhịp điệu hòa hợp với ý nghĩa nội dung, thì chứng tỏ ông có chất thơ để làm thi sĩ. (Làng nghẹt trong rừng đêm). Sau Đinh Gia Trinh giải thích bao hàm cái hay của Xuân Thu Nhã Tập, đến lượt Diệu Anh tiếp tục điều cảm thơ Xuân Thu Nhã Tập (Báo Thanh Nghị: Đọc Xuân Thu Nhã Tập). Chúng tôi trích đoạn văn dưới đây để thêm tài liệu, nhận rõ nội dung nhóm ấy. Không thêm ý kiến nào mà chỉ muốn mở rộng vấn đề cho những ai muốn tìm hiểu đến ngọn ngành mà thôi.

THƠ CỦA HAI ÔNG NGUYỄN XUÂN SANH VÀ ÔNG PHẠM VĂN HẠNH

“Khi tôi nói đến thơ của ông Nguyễn Xuân Sanh với người quen biết, vừa nói dứt tên tác giả, tôi bị vội vã ngắt “Thơ ấy chịu sao được”. Người ta kêu ông Xuân Sanh lập dị và người ta công kích không nghi ngại gì cái lối thơ tối tăm, bí hiểm của ông. Thực ra thì trong những kết án nghệ thuật của ông Xuân Sanh có nhiều công kích vội vàng. Chỉ vì lẽ lý trí không trông rõ ngay tức khắc mối giường của tư tưởng trong thơ mà vội chê thơ ấy là không có giá trị thì kể cũng quá sơ sài. Tất cả cái lý thuyết trong bài luận về thơ “Thơ” là để bênh vực cái lý tồn tại của một nghệ thuật thơ không vụ sự sáng sủa, không cần làm hại cái luân lý của lý trí (logique intellectuelle) nếu ta không cho cái lý thuyết ấy là dở thì thơ của ông Xuân Sanh áp dụng cái lý thuyết ấy, vị tất đã là dở. Nếu chúng ta xét thơ ông Xuân Sanh theo cái quan niệm thơ văn được lưu hành thì là thất sách. Phải xét thơ ấy dựa theo quan niệm đặc biệt trong bài “Tiểu luận Thơ" hoặc nếu ta muốn chê trách cái tối tăm của thơ ấy ta phải thẩm xét lại cái lý thuyết nguyên do và thực hành lý thuyết ấy bởi các tác giả…

Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi

(Buồn Xưa)

NGUYỄN XUÂN SANH

Hoa quỳnh (hình ảnh), chiều (gây cảm giác) chiều ưa dĩ vãng và buồn, nhạc trầm mi (tiếng nhạc, hương trầm mi mắt giai nhân). Câu thơ làm rung cảm các giác quan ta, làm rung cảm cả tâm hồn. HOA QUỲNH, buổi chiều, nhạc êm, hương ngát, mi say đắm. Sau khi bị những chữ, những âm thanh chiếm đoạt và làm ta rung động, ta có thể tìm hiểu câu thơ “Nhạc, trầm, mi, như đọng trên hoa quỳnh buổi chiều…”

Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi

Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y

Buổi chiều trong hoa quỳnh, vẳng nghe nhạc, ngửi thấy hương trầm, trông thấy mi kỹ nữ, của cả một đời xưa. Hồn ta say sưa vì đẹp dĩ vãng. “Hồn màu xanh tươi, ngát hương/ Chở mang dấu xiêm y của các mỹ nhân thời xưa múa khúc nghê thường”.

Nếu hai câu thơ ấy, ta dùng để định giá trị nghệ thuật của ông Nguyễn Xuân Sanh thì chỉ có lợi cho thi sĩ. Hai câu thơ ấy có nhạc điệu và có thực giá trị. Lợi khi là âm thanh, hình sắc. Ta có thể tìm hiểu nghĩa của thơ, nhưng không cần ngay lúc đầu. Có thể nói rằng nghĩa xuôi của câu thơ có khi giảm cái độ giầu mạnh của cảm xúc đầu tiên. “Trước khi hiểu nghĩa xuôi bao nhiêu cảm giác xây nền trên hình ảnh “Hoa Quỳnh”, bao nhiêu xúc động rộng rãi bám vào hình “Chiều xôn xao vì nhạc trầm mi” khi hiểu nghĩa xuôi, tâm hồn ta chú ý vào nghĩa ấy, cẩm xúc ấy có lẽ thu hẹp lại (Buổi chiều chỉ là buổi chiều trong hoa quỳnh).

Nhưng xét kỹ ra thì thuyết thơ ấy không phải hoàn toàn là vững chắc. Đứng độc lập, những tiếng nhạc trầm mi gây nên cảm giàu mạnh tùy theo người. Nhưng cảm giác ấy thực hời hợt và bơ vơ. Như không tìm được bấu víu. Vì tâm lý học đã cho ta biết đời cảm xúc có liên lạc mật thiết với đời lý trí, một cảm xúc mạnh và sâu vì có những tưởng tượng (représentation). Những liên tưởng (associations idées d’images) nghĩa là vì có hoạt động của lý trí. Không thể tách đời tình cảm ra một bên, chỉ nói chuyện thẳng với giây cảm xúc “Nhạc, nhạc xưa, nhạc Nghê Thường, nhạc ở đáy Thiên cổ, nhạc những giờ ca vui này đã tắt.” Cảm xúc hòa nên dồi dào bao nhiêu. “Tóc mây” nó là tóc mây của người giai nhân yêu, hai cảm xúc mạnh khác nhau. Vì vậy một câu thơ văn vần phải có nghĩa. Tác giả có thể trả lời “Độc giả đọc tiếng nhạc sẽ nghĩ đến nhạc xưa” thì dù nhạc Nghê Thường hay một thứ nhạc khác cũng được. Nhưng chỉ của độc giả không được hướng dẫn, ngơ ngác vì sự hội ngộ lạ lùng của tiếng, của chữ, thường chẳng nghĩ đến vì hơn là “Tiếng đàn” những giây cảm xúc không được rung động, đời tình cảm làm việc nghèo nàn bởi chúng không có bấu víu vào đời lý trí”.

3. Phạm Văn Hạnh. – Tác giả Giọt sương hoa (Xuân Lượm lúa vàng, 1942). Thơ của Phạm Văn Hạnh cảm được độc giả hơn chất thơ của thi sĩ Đoàn Phú Tứ. Và thơ Phạm Văn Hạnh có rung cảm mạnh, không phải ghép chữ có nhạc điệu như thơ Xuân Sanh. Bài Người có nghe không có gì mới mẻ lắm, ý tưởng, rung cảm, nhạc điệu, nói theo Diệu Anh, đem lý thuyết vào thơ Xuân Thu Nhã Tập chưa thấm nhuần. Còn bài Thơ Thơ ông viết theo một nhạc điệu đặc biệt, rung cảm mới lạ, truyền cảm, coi như là một bài thơ thành công của riêng ông, và xa hơn chung cho Xuân Thu Nhã Tập. Thơ Phạm Văn Hạnh gần với đời sống tình cảm của con người, với triết lý sống cao cả thanh tao Đông Phương. Sau 1945, ông vào Sàigòn cộng tác với nhóm Chân trời mới Tam Ích, Thiên Giang, ông chuyển dịch tác phẩm quốc tế. Và không thấy ông làm thơ đăng báo hay xuất bản nữa(36) .

Chúng tôi trích đăng một bài thơ điển hình Xuân Thu Nhã Tập, lấy thơ của Nguyễn Xuân Sanh là bài Người Xuân. Giá trị thì đã bàn ở trên khi nói về tác giả; còn bài thơ dưới đây coi như tài liệu tham khảo của văn thơ tiền chiến mà thôi.

Trích thơ:

NGƯỜI XUÂN

Hãy vớt mai trầm vàng nắng gió

Đường xuân rồi khép với chiều tơ

(Đường Xuân)

Lên mùa xe khách vút xe hương

Vai nghiêng suối trái lạnh hồn đường

Gieo trắng dặm thơm đời ngát nẻo

Bó mùa chân ướt ngấn hoa sương

Ngập ngừng hương ấm bình thanh xuân

Tay thơm dâng sóng đậm chiều gần

Hồn gặp men chiều siêu mái đượm

Sương người tươi trái duyên riêng thân

Thế kỷ về xuân hương nước ơi!

Người xuân liễu thắm nhạc hồn đời

Say cuộc nẻo hương hoa thấm bước

Hát trầm nhựa chuyển nhánh vươn hơi

Quay nhịp chiều tươi hương vút cao

Tay xuân suối rượu thuở xa nào

Phơi phới ngày vàng giang mái tóc

Mi ướt rừng mùa sương buổi nao

Xe lá xuân hồn hoa ngón tay

Mắt nghiêng cánh hạt mộng bờ ngày

Hương lộn mi trầm mây biếc biếc

Ôi người mùa duyên men bốc say

Chén đàn xuôi trái ướt giăng không?

Môi ngát người xưa nhịp thắm hồng

Vườn lượn tay nghiêng xây trái rủ

Bờ xuân men nhạc múa tơ bông

Bâng khuâng vai ướt lệ sương người

Vòng xuân hoa mướt lộng nơi nơi

Nghe mạch hương, mùa khua trái giữ

Tay nao sương đất hạt lầu đời

Hồn lạnh thời gian đâu buổi xưa

Tay ơi bóng ấm đậm buồn dừa

Giăng bồng đỏ chín rơi vang bước

Hạnh phúc duyên dường nghiêng nhánh xưa

Lên xuân trái nhạc ngủ chiều hương

Rừng dựng mầu cành xanh bốn phương

Nắng gội hồn ngày say góc mái

Người hương trái chín nhạc lên đường

Người xuân ngực nở nhịp tuần hoàn

Thuyền đào lên sóng nhạc thời gian

Mái tóc ngưng hương mùa nước đậm

Mi xanh hồn trĩu nhạc thơm ngàn

Mai sưa cây ngát thấm hồn rừng

Hương tưới lư trầm bốc mượt lưng

Lưu thủy ngọn đồi tuôn nhánh gió

Tròn xuân đất rậm hái tưng bừng

Nội tươi gió trái bước rừng mai

Người sương bát ngát gọi đường nhài

Đi nhạc ngàn xuân lên bước mới

Bình giời treo ngọc nét tuôn vai

Mi lồng thánh thót thở hồn son

Vai máu lầu sương nhạc đổ tròn

Trái chĩu nhịp hoa tay chới với

Bước hương gieo nhẹ máu rừng non

Lầu người gió vớt nhạc rừng xây

Đất thôn lối biếc ngực dâng đầy

Xuân đẫy vòng thơm buông trái ngọc

Thiên hương lúa mượt tóc rừng mây

Nẻo trắng ru hồn mái tóc sương

Người hương trái chín nhạc lên đường

Dào dạt ray mây đời ủ ngất

Lên mùa xuân khách vút xe hương.

NGUYỄN XUÂN SANH

(1939–1940)

(Trích báo Thanh Nghị số trong năm 1943)


CÒN TIẾP ...





© CẤM ĐĂNG TẢI LẠI NẾU KHÔNG CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ VÀ NEWVIETART .



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN TRUYỆN NGẮN ÂM NHẠC