TÁC PHẨM
TÁC GIẢ





Huyền Viêm sinh năm 1930 tại Quảng Nam .

Hiện sống tại Sài Gòn - Nam Việt Nam.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

.Thơ Mùa Chinh Chiến.
. Hạnh Ngộ.








THƠ


PHỐ HỘI TÌNH XA

THU XƯA HÀ NỘI

HAI MÙA PHƯỢNG

DƯ ÂM HUẾ

HUYỄN MỘNG

ĐÂU NHỮNG MÙA XUÂN ?

CHÙM THƠ XUÂN

CHÙM THƠ ĐẦU MÙA HẠ




BIÊN KHẢO


THÂM TÂM VỚI DANH TÁC “TỐNG BIỆT HÀNH”

CHUYỆN TÌNH CỦA TÔ ĐÔNG PHA

HAI CÁI CHUNG TÌNH
MỐI TÌNH THƠ NGUYỄN BÍNH – ANH ĐÀO


SAINT EXUPÉRY

PHI CÔNG HUYỀN THOẠI


DƯƠNG QUÍ PHI
Người Đẹp Làm Nghiêng Ngửa Nhà Đường


TỪ HY THÁI HẬU
NGƯỜI PHỤ NỮ LÀM SỤP ĐỔ CƠ NGHIỆP NHÀ THANH


VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH

VÕ TẮC THIÊN, NỮ HOÀNG ĐẾ TRUNG HOA TÀN ÁC VÀ DÂM ĐÃNG

VỀ HUẾ THĂM LĂNG

YẾN LAN VỚI BẾN MY LĂNG HUYỀN THOẠI

TÂY CŨNG HỌA THƠ

NGÀY XUÂN ĐỌC THƠ XUÂN ĐƯỜNG TỐNG

THƠ XUÂN CỦA ĐÔNG HỒ VÀ MỘNG TUYẾT

THIÊN TÌNH SỬ CỦA LỤC DU

TRẦN HUYỀN TRÂN , ĐÂY MỘT LOÀI HOA KHÁC HẢI ĐƯỜNG

CHUYỆN TÌNH CỦA LƯƠNG KHẢI SIÊU

QUANG DŨNG, THI SĨ TÀI HOA, LÃNG MẠN

TÌM XUÂN QUÁ MUỘN

QUANG DŨNG VÀ NHỮNG MỐI TÌNH

VẾT THƯƠNG LÒNG và BÌNH HOA VỠ

HÀN MẶC TỬ , rất hào hoa, rất phong vận : Người Thơ (*)







































HÀN MẶC TỬ ,
rất hào hoa, rất phong vận :
Người Thơ (*)



Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 tại Lệ Mỹ, Đồng Hới (Quảng Bình), mất ngày 11-11-1940 tại nhà thương phong Qui Hòa (Bình Định), an táng ở đèo Son, sau cải táng về Gành Ráng Qui Nhơn (13-1-1959). Các bút danh đã dùng là : Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử rồi Hàn Mặc Tử (1).

Thật đáng khâm phục : con người chỉ sống trên cõi trần này có 28 năm, bỏ đi thời thơ ấu, chỉ còn lại hơn mười năm vừa lo mưu sinh vừa làm thơ mà để lại một khối lượng thơ đáng nể. Thơ Hàn Mặc Tử ca tụng cái đẹp : vẻ đẹp của thiên nhiên, nét đẹp của các mối tình và cái đẹp của tôn giáo, niềm an ủi của đau thương.

Thôn Vỹ Dạ ở Huế có những nhà vườn xinh xắn trồng nhiều cây cối cỏ hoa, và chiếc thuyền đậu bến sông Trăng gợi lên biết bao thi hứng :

Gió theo lối gió, mây đường mây,

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.

Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

(Đây thôn Vỹ Dạ)

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ đa tình. Những nàng thơ từng đi qua đời Tử gồm có :

* HOÀNG CÚC : Năm 1933, Nguyễn Trọng Trí vào làm việc tại Sở Đạc điền (Cadastre) ở Qui Nhơn, quen với Hoàng Tùng Ngâm. Ngâm có người chị thúc bá là Hoàng thị Kim Cúc, ái nữ cụ Hoàng Phùng, giám đốc Sở Địa chính. Cô Kim Cúc có bút hiệu Hoàng Hoa, thường làm thơ, viết báo. Cô là một thiếu nữ rất “Huế”, thuộc dòng dõi thế gia ở Vỹ Dạ, một thiếu nữ khuê các, phong thái nhàn hạ, thoáng chút kiêu xa khiến Tử say mê đắm đuối. Yêu nàng, Tử làm ba bài thơ về hoa cúc mà bài thứ ba thiết tha, nồng nàn hơn cả:

HỒN CÚC

Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường,

Không dám sờ tay sợ lấm hương.

Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá,

Muốn ôm hồn cúc ở trong sương.

Ngoài ra, theo Thiện Nam Nguyễn Bá Tín – em ruột Hàn Mặc Tử – thì Tử làm bài thơ Âm thầm trong tập “Gái quê” chính là để thổ lộ tâm sự của mình về Hoàng Cúc như chưa từng được giãi bày :

Bên khóm thùy dương em thướt tha,

Bên này bờ liễu anh trông qua.

Say mơ vướng phải mùi hương ướp,

Yêu cái môi hường chẳng nói ra…

Sau khi vào Sài Gòn làm báo một thời gian, Tử trở về Qui Nhơn thì gia đình chàng dọn về số 20 đường Khải Định,  chỉ cách nhà Hoàng Cúc vài căn phố. Nhiều hôm Tử ngồi thừ trong chiếc ghế mây, nhìn qua bức mành trúc trước cửa chờ Hoàng Cúc đi qua, trông thật thiểu não. Tử thường tỏ ra bối rối, mất bình tĩnh mỗi khi Hoàng Cúc đi ngang qua nhà. Hoàng Cúc biết điều đó nên về sau kể lại với con gái chị Như Lễ (chị ruột Tử) và nói “nghĩ tội nghiệp anh quá !”.

Cái trở ngại lớn nhất giữa hai người là vấn đề tôn giáo. Gia đình Cúc theo đạo Phật rất sùng tín, còn gia đình Tử theo đạo dòng và Tử là một tín đồ công giáo rất ngoan đạo.

Mối tình đơn phương, thầm kín đó cứ kéo dài cho đến năm 1936 thì cụ Hoàng Phùng về hưu, gia đình dọn về Vỹ Dạ (Huế), tất nhiên Cúc phải đi theo. Tử buồn bã viết :

…Và được tin ai sắp bỏ đi,

Chẳng thèm trở lại với tình si.

Ta lau nước mắt, mắt không ráo,

Ta lẫy tình nương, rủa biệt ly.

(Tình thu)

Vẫn theo Nguyễn Bá Tín, cũng năm 1936 đó, Tử ra dự Hội chợ Huế, có gặp Hoàng Cúc, cả hai đều rụt rè e thẹn. Tử mang theo cuốn Gái quê để tặng Cúc nhưng lại không dám đưa. Cúc kể lại và ân hận về thái độ rụt rè đó :”Càng tội nghiệp hơn là hôm sau anh xuống Vỹ Dạ đứng trước cổng hồi lâu rồi lặng lẽ bỏ đi”.

Năm 1939 bệnh tình của Tử trở nặng, vô phương cứu chữa. Theo Nguyễn Bá Tín thì lúc ấy Cúc có gửi cho Tử một bức ảnh cỡ 6x9 : Cúc mặc áo dài lụa trắng như những cô gái Huế thời bấy giờ, đứng trong vòm cây xanh mát, và Tử đã làm ngay bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ trong đó có câu “Áo em trắng quá nhìn không ra”.

Nhưng theo Hoàng Cúc thì lại khác. Cúc kể :”Tử có tới gặp tôi hai lần. Lần đầu chỉ nói bâng quơ vài câu rồi chào về. Lần thứ hai Tử mạnh dạn lắp bắp mấy lời tỏ tình, rồi đưa tặng tôi tập thơ Gái quê cùng một mảnh giấy nhỏ. Tôi bàng hoàng và cũng rụt rè từ chối, không nhận sách, không nhận thư”.

Ngày 15-10-1971, Hoàng Cúc viết thư cho Quách Tấn có đoạn như sau :

“….Vào khoảng hè 1939, Ngâm (em họ Cúc) viết thư về Huế cho biết Tử mắc bệnh nan y và khuyên tôi nên viết thư thăm Tử để an ủi một tâm hồn đã vô cùng đau khổ. Thay vì viết thư thăm, tôi gửi bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái carte visite. Trong ảnh có mây, có nước với chiếc đò ngang có cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh mấy lời hỏi thăm sức khỏe Tử mà không ký tên, rồi nhờ Ngâm trao lại. Sau đó một thời gian, tôi nhận được bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ và một bài khác nữa do Ngâm gửi về.

Tóm lại, ngoại trừ bức ảnh phong cảnh đó và bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ thì Tử và tôi không có thư từ gì cho nhau nữa cả. Ngâm cho tôi biết trước đó Tử có gửi nhiều thơ tặng mà không tới tay tôi….” (2).

Lời kể của Nguyễn Bá Tín và Hoàng Cúc có vẻ mâu thuẫn nhưng không phải là điều khó hiểu nếu ta biết Cúc là con gái nhà nền nếp.

Nhận được ảnh của Hoàng Cúc, Tử viết mấy dòng cảm tạ :

Túc hạ,

Có nhận được bức ảnh bến Vỹ Dạ lúc hừng đông (hay là một đêm trăng?) với mấy hàng chữ túc hạ gửi thăm. Muôn vàn cảm tạ. Túc hạ còn nhớ đến người bạn năm nao, thế là phúc hậu lắm rồi. Mong rằng một mùa xuân nào đấy được gặp lại túc hạ mới phỉ tình cho.

Thăm túc hạ bình an và vui vẻ.

Hàn Mặc Tử

Hoàng Cúc nhận được bức thư trên vào tháng 11 năm 1939. Một năm sau, khi được tin Tử qua đời, Hoàng Cúc có vào Qui Nhơn, một mình lặng lẽ đến viếng mộ Hàn Mặc Tử.

Hoàng Cúc vẫn sống độc thân suốt đời ở Vỹ Dạ, dạy nữ công ở trường Đồng Khánh (Huế) và dốc lòng tu hành cho đến lúc từ trần vào năm 78 tuổi (1912-1989).

Vậy Hoàng Cúc có yêu Hàn Mặc Tử không? Hãy ghi nhận những ý kiến sau đây : Thi sĩ Quách Tấn viết :”Theo lời Thúc Tề – bạn thân của Tử – và lời úp úp mở mở của Tử thì mối tình của Tử đã thấu Hoàng Cúc và Hoàng Cúc đối với Tử không đến nỗi hững hờ, song cả hai đều giữ gìn mặc dù lòng Tử lắm khi rung động mạnh.

Và Hoàng Cúc suốt đời chỉ lo tu hành, không lấy chồng. Tại sao? Câu trả lời thật không khó.

* MỘNG CẦM : tên thật là Huỳnh thị Nghệ, quê Quảng Ngãi, cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu ruột và gọi Ngọc Sương bằng dì ruột.  Tình của Mộng Cầm đối với Hàn Mặc Tử như thế nào? Trong bài “Xin tỏ chút lòng để tạ lỗi xưa” của Châu Hải Kỳ đăng trên tạp chí VĂN (Sài Gòn) số 2 (đệ nhị tam cá nguyệt 1967), ông hỏi Mộng Cầm trường hợp nào khiến bà quen Hàn Mặc Tử thì bà trả lời :

“Năm ấy tôi 17 tuổi, học lớp Nhất trường Nam Phan Thiết, nhưng tôi rất ham văn chương. Đêm đêm tôi thường đến học thêm Việt ngữ với cậu Bích Khê tôi. Một hôm đến trường, tôi tiếp một bức thư do nhà dây thép đưa lại. Đó là bức thư đầu tiên Hàn Mặc Tử gửi cho tôi. Trong thư, Hàn Mặc Tử tỏ ý cốt tìm biết để giao thiệp trau luyện văn thơ. Tôi có gặp trên báo tên Hàn Mặc Tử một đôi lần nhưng không biết Hàn Mặc Tử là ai và cũng không biết bằng cách nào Hàn Mặc Tử biết được địa chỉ của tôi.

Tôi bận học thi Tiểu học nên một tháng sau mới trả lời. Bắt đầu từ đó chúng tôi thường có thư từ đi lại cho nhau, nhưng cũng toàn nói chuyện văn thơ…

… Chừng năm tháng sau tôi về Quảng Ngãi, gặp một người bạn học cũ mới hay chính chị bạn tôi quen Hàn Mặc Tử, đã giới thiệu tôi với Hàn và cho Hàn địa chỉ của tôi…”

Mấy tháng sau, Mộng Cầm vào Phan Thiết rồi ra Mũi Né học “cô đỡ” với người cậu là L.Q.T. (anh lớn của Bích Khê). Một chiều thứ bảy, Hàn Mặc Tử từ Sài Gòn ra Phan Thiết và tìm đến bệnh xá Mũi Né thăm Mộng Cầm rồi xin phép cậu Mộng Cầm cho nàng cùng đi đò vào Phan Thiết để nhờ Mộng Cầm giới thiệu Tử với Bích Khê.

Châu Hải Kỳ hỏi :

- Như vậy, xin lỗi bà, bà có đi Lầu Ông Hoàng và có gặp mưa không?

- Tôi nhận có đi chơi Lầu Ông Hoàng với Hàn Mặc Tử, có gặp mưa, có ngồi ở nghĩa địa, nhưng không phải vì đó mà Hàn Mặc Tử bị phung như anh Quách Tấn viết. Nếu Hàn Mặc Tử bị phung sao tôi không hề gì cả? Hai người cùng ngồi núp mưa một chỗ kia mà !

Mộng Cầm kể tiếp :

- Một dịp thứ bảy đi chơi Lầu Ông Hoàng, anh thổ lộ mối tình với tôi. Tôi trả lời anh :”Chắc không thể đến chỗ làm bạn trăm năm được. Tôi nói trước để anh đừng hy vọng”.

Anh hỏi lý do. Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau. Nhưng thật ra vì biết Hàn Mặc Tử mắc bệnh hiểm nghèo, không thể sống lâu được, ý tôi muốn có một người chồng mạnh mẽ, tráng kiện…

- Tôi xin lỗi hỏi thật bà : bà không muốn tiến tới hôn nhân, nhưng đối với Hàn Mặc Tử, bà có lúc nào cảm thấy yêu không? Và trong những cuộc giao du thân mật, đã có lần nào thi sĩ tỏ thái độ suồng sã với bà chưa?

- Chúng tôi rất mến nhau, nhưng đó là mối tình văn thơ, còn xác thịt thì hoàn toàn không nghĩ tới. Cha mẹ đã cho giao thiệp tự do, chúng tôi phải giữ gìn cho xứng đáng. Vả lại, lúc bấy giờ, tôi tuy đã lớn tuổi nhưng còn khờ lắm…

Tử yêu Mộng Cầm tha thiết, còn Mộng Cầm thì sao? Nàng cũng có lần nhắc nhở Tử đừng bao giờ quên người tình đã cùng chàng gắn bó :

Rồi có khi nào trong phút giây

Trăng lên khỏi núi, gió đùa mây.

Thì anh nên nhớ người năm nọ

Đã được cùng anh sống những ngày…

Như thế mà bảo vô tình sao được? Cứ theo như bài của Châu Hải Kỳ trên đây thì Mộng Cầm phủ nhận tình yêu của mình với Tử.

Năm 1936, người anh cả của Tử là Mộng Châu Nguyễn Bá Nhân từ trần vì tai nạn ô-tô, Mộng Cầm đã viết thư cho Tử :

“… Lệ Thanh anh ơi ! Lệ Thanh anh ơi ! Em không thể ra tận ngoài ấy để đưa linh cữu ông anh cả về nơi an nghỉ cuối cùng. Vậy anh cho phép em thành tâm cư tang cho ông anh một năm cũng như anh, nghe anh ! Ở trên mấy từng mây, vong linh ông anh cả có linh thiêng nên nhận người em dâu chắc chắn nhất định của ông anh rồi. Vậy ông anh nên phù hộ cho chúng em thương nhau cho đến bạc đầu”.

Lúc này Tử chưa mắc bệnh. Những chi tiết trên cho ta thấy tình của Mộng Cầm với Hàn Mặc Tử như thế nào. Còn việc nàng tuyên bố chỉ mến Tử chứ không yêu chỉ là do hoàn cảnh bắt buộc mà thôi.

* MAI ĐÌNH : Chuyện tình của Mai Đình và Hàn Mặc Tử thì rõ ràng minh bạch, chứ không mù mờ như hai trường hợp trên..

Mai Đình tên thật là Lê thị Mai, sinh năm 1917, quê Thanh Hóa,  con một tùy viên làm việc ở Tòa Sứ Phan Thiết. Nàng không đẹp, cũng không có duyên, rất lãng mạn và biết làm thơ. Vào khoảng cuối năm 1937, Mai Đình đi ngang qua Qui Nhơn cùng một người bạn là Trần Kiên Mỹ ghé thăm Hàn Mặc Tử. Tử không tiếp, nhưng để đáp tạ tấm lòng người phương xa, Tử gửi tặng tập thơ Gái quê. Ngồi trên xe lửa đọc tập Gái quê, tình thương của nàng đối với Hàn Mặc Tử chuyển thành tình yêu. Nàng quyết gặp Hàn Mặc Tử.

Bài thơ đầu tiên mà Mai Đình viết cho Hàn Mặc Tử là bài “Biết anh” :

… Còn anh, em đã gặp anh đâu,

Chỉ cảm vần thơ có những câu

Âu yếm, say sưa, đầy mộng đẹp,

Xui lòng tơ tưởng lúc đêm thâu….

Nhận được bài thơ này, Tử làm bài thơ Lưu luyến :

Chửa gặp nhau mà đã biệt ly,

Hồn anh theo dõi bóng em đi.

Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió,

Lưu luyến bên em chẳng nói gì…

Mùa xuân năm 1938, Mai Đình đi ngang qua Qui Nhơn, ghé thăm Tử mấy lần nhưng Tử không tiếp. Nhận thấy mối chân tình của nàng, hai bà chị của Tử là Như Nghĩa và Như Lễ khuyên Tử không nên xử tệ với ai có lòng chiếu cố đến mình. Vì vậy, Tử vui vẻ ra tiếp Mai Đình khoảng hai lần trong năm 1938.

Năm 1939, Mai Đình đến thăm Tử một lần nữa vào lúc Tử đã mắc bệnh. Lần này nàng xin phép bà cụ ở lại hai ngày và nàng đã tỏ hết nỗi lòng cùng Tử. Nàng chăm sóc Tử thật chu đáo khiến Tử rất cảm động. Tử từng nói với Quách Tấn :

- Mai mạnh dạn tỏ lòng yêu tôi. Đã nhiều lần tôi cho Mai biết rằng tôi chỉ coi Mai như một người bạn thiết vì tình yêu của tôi đã giao trọn cho Mộng Cầm rồi. Vì thế nàng có bài thơ phân bì với Mộng Cầm :

Mộng Cầm hỡi ! Nàng là tiên rớt xuống

Hay là vì tinh tú giáng trần gian?

Diễm phúc thay ! Sung sướng biết bao vàn,

Đầy đủ quá, nàng thương chăng kẻ thiếu?

Năm 1940, khi nghe tin Tử qua đời, Mai Đình rụng rời tay chân, làm bài thơ Tan rã tặng hương hồn Hàn Mặc Tử :

…. Hôm nay bỗng được tin anh mất,

Khắp cả thân em đã lạnh rồi.

Anh chết là hồn em đã chết,

Não nùng chi lắm hỡi anh ơi !

Tử mất rồi, không còn hy vọng gì nữa nên cuối năm 1943 Mai Đình đã lấy chồng và có hai con, nhưng lòng không bao giờ quên Hàn Mặc Tử. Sau năm 1975 nàng vào Sài Gòn sống cùng gia đình cho đến ngày tạ thế. Có người từng hỏi :”Bà đã lấy chồng, có con cháu, nhưng vẫn thờ người tình, vẫn treo ảnh người tình, thế có phải là ngoại tình không? Và ông nhà có ghen không?”

Mai Đình trả lời :”Lúc tôi lấy chồng đã có giao hẹn không được ghen với Hàn, phải chấp nhận cho tôi lập bàn thờ Hàn và phải luôn nhớ Hàn là người yêu lý tưởng của tôi. Có bằng lòng những điều kiện ấy tôi mới chịu kết hôn. Cũng may chồng tôi là người rất phóng khoáng, độ lượng, vui vẻ chấp nhận nên suốt mấy chục năm trời chúng tôi vẫn sống êm thấm, không ai vi phạm lời hứa. Vì thế tôi rất biết ơn chồng tôi”.

Mai Đình đã qua đời ngày 16-10-1999 tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, thọ 83 tuổi. Bà là người tình chung thủy của Hàn Mặc Tử.

* THƯƠNG THƯƠNG : Thương Thương là người thực, tên thực, nhưng chỉ là người yêu giả (trong tưởng tượng) của Hàn Mặc Tử vì lúc Trần Thanh Địch giới thiệu Thương Thương cho Hàn Mặc Tử thì cô bé chỉ mới 12 tuổi và hoàn toàn không biết gì về chuyện này. Thương Thương gọi Trần Thanh Địch là chú ruột và là em ruột của Trần Tái Phùng. Sao lại có chuyện oái oăm này?

Đó là vì Trần Thanh Địch có ý tốt với bạn : sau khi Mộng Cầm khoác áo vu qui, Tử đau khổ như ngây như dại mà Mai Đình không sao thay thế được. Thư nào gửi cho Trần Thanh Địch, Tử cũng than thở về nỗi đau bị Mộng Cầm bỏ rơi. Để an ủi Tử, Trần Thanh Địch bèn mượn tên Thương Thương, giới thiệu là nữ sinh Đồng Khánh rất mê thơ Tửû và muốn làm quen. Trong tình trạng tuyệt vọng như người sắp chết đuối vớ được cái phao, Tử vồ vập ngay nàng thơ mới, nhất là nàng có cái “mác” nữ sinh Đồng Khánh. Thật ra tất cả thư từ của Thương Thương gửi cho Tử đều do Trần Thanh Địch thảo ra và nhờ một cô gái viết giúp với nét chữ mềm mại uyển chuyển và tình ý nồng nàn khiến Tử mê tơi.

Mỗi lần nhận được thư Thương Thương, Tử sung sướng đọc rồi giấu kỹ dưới gối, thỉnh thoảng lấy thư ra xem lại rồi tưởng tượng ra dung mạo, cử chỉ duyên dáng, khả ái của người yêu, một nàng con gái có đôi má đỏ au, có bàn tay mềm mại và màu áo lung linh huyền ảo :

Đêm qua trong mộng gặp Thương Thương,

Má đỏ au lên, đẹp lạ thường.

Bàn tay mềm mại nên thơ quá,

Màu áo lung linh dày tợ sương…

Với tình yêu Thương Thương nồng nàn cháy bỏng trong tim, Tử hăng hái bắt đầu một thời kỳ sáng tác mới và đã viết nên tập thơ Cẩm châu duyên, hai vở kịch thơ Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội. Khi vở Quần tiên hội (viết chưa xong) gửi ra Huế thì Trần Thanh Địch và Trần Tái Phùng vô cùng lo lắng. Nếu hai vở kịch in ra và Thương Thương lớn lên sẽ bị tai tiếng oan uổng. Sau khi hội ý, Trần Tái Phùng viết thư trình bày tất cả sự thật với Hàn Mặc Tử. Đọc thư, Tử thấy đất trời như sụp đổ trước mắt, bao nhiêu tình yêu và hy vọng đều tan thành mây khói nên Tử bỏ ngang vở Quần tiên hội.

* NGỌC SƯƠNG : Cũng như Trần Thanh Địch, Bích Khê (3) thấy Tử đau buồn trước sự phụ bạc của Mộng Cầm, muốn giúp bạn sống vui trở lại nên năm 1938 Khê vào Qui Nhơn thăm Tử và tặng bạn bức ảnh bán thân của mình chụp chung cùng chị ruột là Ngọc Sương và giới thiệu nàng với Tử. Ngọc Sương là người có học, cũng am hiểu văn chương, rất thích thơ Tử, dung mạo xinh đẹp, phảng phất giống Khê nên yêu Khê, Tử yêu luôn người chị, nhưng cứ giữ kín trong lòng, không dám nói ra.

Chưa gặp người, chỉ biết người qua ảnh mà Tử đã yêu và ngày càng say đắm nên xúc cảm thành thơ :

Ta đề chữ NGỌC trên tàu lá,

SƯƠNG ở cung Thiềm nhỏ chẳng thôi.

Tình ta khuấy mãi không thành khối,

Nư giận đòi phen cắn phải môi….

(Người ngọc)

Một lần Mai Đình ghé thăm Tử, đọc được bài thơ này liền lén cầm ra Quảng Ngãi đưa cho Ngọc Sương xem, Sương mới biết tình của Tử đối với mình.

Biết chuyện, Ngọc Sương yêu cầu Bích Khê và các bạn ngừng ngay trò đùa nguy hiểm này, đừng đổ thêm dầu vào lửa.

Một lần nhà văn Lê Tâm tìm đến Ngọc Sương thăm hỏi và trò chuyện sau khi Tử mất, Sương lặng lẽ đưa cho Lê Tâm xem cuốn sổ tay ghi lại những kỷ niệm giữa bà và Hàn Mặc Tử, Lê Tâm xin phép bà ghi lại vài dòng :

“… Nói đến tình yêu của Hàn Mặc Tử đối với tôi nó rất đơn giản. Không gặp gỡ nhau trao tình gợi ý, không hẹn biển thề non… nghĩa là chúng tôi chưa biết mặt nhau lần nào. Chỉ một tấm ảnh tôi chụp chung với em tôi, thi sĩ Bích Khê, Bích Khê gửi tặng Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử yêu tôi bằng hồn đa cảm, bằng thơ trong đẹp, bằng tim sâu lắng, bằng lòng khép kín… cho nên tôi không hề hay biết. Đến khi Mai Đình ghé thăm Hàn Mặc Tử ở Qui Nhơn, xem trộm bài thơ Người ngọc của Hàn Mặc Tử làm cho tôi. Mai Đình lén lấy bài thơ bay ra Quảng Ngãi, tìm xuống nhà tôi ở Thu Xà, đặt vào tay tôi bài thơ ấy. Và lạ lùng thay ! Mai Đình năn nỉ tôi đáp lại tình yêu của Hàn để an ủi anh trong lúc đớn đau về xác thịt lẫn tâm hồn. Tôi vô cùng ngạc nhiên… Tôi từ chối vì lý do tôi và Mộng Cầm là dì cháu, rồi dối là tôi đã có người yêu (Trích hồi ký của bà Ngọc Sương – bản chép tay).

Ở một đoạn khác, bà ghi tiếp :

“… Năm 1939 tôi phải theo lệnh mẹ chịu lấy chồng. Đúng ngày tôi lên xe hoa, trước hơn một tiếng đồng hồ, Bích Khê gọi tôi với giọng mừng vui :”Anh Hàn Mặc Tử gửi lời chúc mừng hạnh phúc anh chị đây”. Tôi nghe qua và cũng nói qua :”Em gửi thư cảm ơn hộ chị”.

Qua năm 1940, sau hơn một năm tôi lấy chồng, bệnh Hàn Mặc Tử đã trở nặng, rồi hồn Hàn Mặc Tử đã “bay bổng tận tầng không”. Kế năm năm sau, Bích Khê nối gót theo Hàn. Sắp xếp chồng thư cũ, tôi bắt gặp tấm danh thiếp của Hàn Mặc Tử gửi chúc mừng ngày thành hôn của chúng tôi. Phía sau tấm danh thiếp là bốn câu thơ bi thiết và vướng máu :

Lại một người yêu đi lấy chồng,

Hồn ta bay bổng tận từng không.

Máu tim rỉ giọt hoen lồng ngực,

Nhìn xuống xe hoa rực nắng hồng.

(Trích hồi ký của bà Ngọc Sương) (4).

Tháng 6 năm 2002 bà Lê thị Ngọc Sương qua đời, hưởng thọ 89 tuổi (Bà sinh ngày 14-7-1914).

***

Chỉ với những năm tháng ngắn ngủi sống ở trần gian, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã để lại cho chúng ta một gia tài phong phú và quí báu về thơ. Như một lời tiên tri, Tử đã viết khi còn khỏe mạnh :

Một mai kia ở bên khe nước ngọc,

Với sao sương, anh nằm chết như trăng.

Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc,

Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.

(Duyên kỳ ngộ)

Quả đúng như vậy ! Hàn Mặc Tử đã chết trong cô đơn, không có người thân bên cạnh. Nhưng không sao, sau này đã có hàng vạn tấm lòng đến với Hàn Mặc Tử. Xin mượn lời Chế Lan Viên để kết thúc bài này :

“Tôi xin hứa hẹn với các người rằng : mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại ở cái thời kỳ mới này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”.

(*) Thơ Hàn Mặc Tử trong bài “Phan Thiết ! Phan Thiết !” (1) Hai chữ “hàn mạc” trong tự điển không có, chỉ có “hàn mặc” nghĩa là văn chương (Hoài Thanh – Thi nhân Việt Nam).

(2) Theo cuốn “Bóng ngày qua” của Quách Tấn (NXB Văn Nghệ TP.HCM 2001).

(3) Bích Khê (1916-1946) tên là Lê Quang Lương, quê Quảng Ngãi, em ruột Ngọc Sương, cậu ruột Mộng Cầm, nhà thơ nổi tiếng, tác giả hai tập thơ Tinh hoa và Tinh huyết.

(4) Tư liệu của nhà văn Lê Tâm.




Email: huyenviem@hcm.vnn.vn



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN TRUYỆN NGẮN ÂM NHẠC