TÁC GIẢ
TÁC PHẨM






. Sinh quán Hà Nội

. Tốt nghiệp các Đại học :
- Đại Học Sài Gòn.
- Đại Học ngoại ngữ Tokyo.
- Cao Học Giáo Dục Đại Học Tokyo.

. Hiện sống và làm việc tại Nhật Bản.





THƠ

PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 1
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 2
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 3
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 4
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 5
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 6
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 7
PHÓNG DỊCH THƠ ĐƯỜNG 8 : NHỮNG BÀI THƠ TRƯỜNG TƯƠNG TƯ
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 9
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - THƠ LÝ HẠ
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - THƠ LÝ THƯƠNG ẨN
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - MÙA XUÂN 1
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - MÙA XUÂN 2
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - MÙA XUÂN 3
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - MÙA XUÂN 4
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI : THƠ ĐỖ PHỦ
THÁNG SÁU
BUỒN THÁNG SÁU
ĐƯỜNG THI
NHỚ
TÌNH CÁT
KOKUBUNJI
NHỚ
NÍU
ĐỐ
HỎI
BƠI
GIẤU 2
GIẤU 1
RỒI MỘT NGÀY
THƠ MÙA ĐOM ĐÓM
THƠ MƯA THÁNG BẢY
NHỚ 2
NGÕ NHỎ QUÊ HƯƠNG
GIẬN
CÀ PHÊ ĐẮNG
SÁCH
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI : THƠ ĐỖ PHỦ 2




ĐOẢN VĂN & TRUYỆN

CĂN NHÀ CÓ BỐN PHÒNG
KỶ NIỆM VỀ TẾT
CON MÈO ĐÃ SỐNG MỘT TRIỆU LẦN 
TRUYỆN NGƯỜI ONMYOJI 
BA CỦA Y
HOTARU MATSURI -ĐÊM HOA ĐĂNG ĐẦU HẠ
CÀ PHÊ ĐẠO
TRONG VƯỜN VẠN DIỆP
CON GÁI





BIÊN DỊCH

CHUYỆN PHIẾM VỀ 12 CON GIỐNG
CỔNG RASHOMON CỦA ĐẠO DIỄN KUROSAWA AKIRA


























CỔNG RASHOMON CỦA ĐẠO DIỄN KUROSAWA AKIRA

R  ashomon là truyện ngắn được viết vào năm 1915 của Akutagawa Ryunosuke. 

35 năm sau, thế giới biết đến tên tuổi của đạo diễn Kurosawa Akira qua cuốn phim (thực hiện năm 1950) với nội dung chính được dựng theo tiểu thuyết Yabu no naka (Trong bụi cây) của Akutagawa Ryunosuke, đã được giải thưởng tại Liên hoan điện ảnh tại Venice năm 1951. Tuy nhiên phim được đặt tên là Rashomon, có cả một số chi tiết trong truyện Rashomon. Cuốn phim mở đầu và chấm dứt cũng dưới cổng Rashomon, chiếc cổng trong truyện của Akutagawa Ryunosuke.  

Khán giả chỉ xem phim và nếu không có đủ thông tin, khi nghe nói tới truyện Rashomon có lẽ sẽ nghĩ rằng phim Rashomon là phim phóng tác truyện Rashomon. Còn độc giả chỉ mới đọc sách, thoạt nghe nói đến phim Rashomon có lẽ cũng nghĩ rằng truyện ngắn này đã được dựng thành phim Rashomon. Lâu nay tôi cũng là một trong những độc giả ấy.  

Đài truyền hình của Nhật bản đã nhiều lần chiếu lại phim Rashomon trong chương trình phát thanh vệ tinh buổi trưa, giới thiệu phim hay cũ, nhưng vì nhiều nguyên cớ tôi chưa bao giờ xem được trọn cuốn phim Rashomon. Có khi may mắn xem được đoạn mở đầu, thấy cảnh cổng Rashomon trong mưa và thế là tôi "yên chí lớn" rằng cốt truyện cũng giống như trong truyện ngắn cùng tên. Một đôi lần tình cờ xem thấy đoạn giữa, vì thỉnh thoảng có phụ đề ở góc màn ảnh cho biết  đây là  phim gì, cũng thấy là lạ: sao lại có người đàn bà trẻ đẹp( thay vì một bà già) và khung cảnh sao lại ở trong rừng ( mà không ở trên gác tối ), nhưng không có thì giờ theo dõi. May mắn thay là nỗi thắc mắc này sau đó đã được giải tỏa nhờ đọc bản dịch truyện Yabu no naka dưới tên “Bốn bề bờ bụi “(1) của dịch giả Phạm Vũ Thịnh, có cả lời giới thiệu cho biết truyện này mới là nội dung chính của phim Rashomon.     

           Mới đây tình cờ có một người bạn, sau khi đọc “Cổng Rashomon” (2) do tôi dịch thuật trong tập Trinh Tiết, đã ngỏ ý thắc mắc về sự khác biệt giữa nội dung truyện Rashomon và kịch bản phim Rashomon mà ông đã xem hồi xưa ở ViệtNam, và nhờ tôi giải thích. Nhờ vậy tôi mới có dịp xem trọn vẹn cuốn phim này, và mới biết thêm rằng kịch bản phim Rashomon còn có thêm một đoạn vào truyện Yabu no naka, và dưới cổng Rashomon của đạo diễn Kurosawa Akira tuy cũng có xảy ra cảnh tước đoạt áo, nhưng là chiếc áo của một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi dưới cổng, chứ không phải là áo của bà già đã nhổ tóc xác chết như trong truyện Rashomon của Akutagawa Ryunosuke.   

Cuối cuốn phim, người đốn củi, một nhân vật trong truyện Yabu no naka, đã xin đứa bé này về nuôi.

Câu nói của nhà sư trước nghĩa cử này của người đốn củi :

-Nhờ ông tôi lại có thể tin người.

đã đóng lại cuốn phim đầy dẫy một chuỗi hoài nghi vì sự gian dối của con người và của cả hồn ma.   

Cảm tưởng đầu tiên của tôi khi xem đến hồi kết cục này là chợt hiểu ra rằng, cổng Rashomon - từ một chiếc cổng u tối đã là nơi cướp đoạt lẫn nhau vì sự sống, ngay cả với xác chết, và đã đưa đẩy gã nô bộc thất nghiệp thành kẻ cướp như trong tuyện của Akutagawa Ryunosuke – sau đó đã được Kurosawa Akira soi rọi vào đấy ánh nắng nhân bản tươi sáng với lòng tin vào tính thiện của con người.    

Như vậy kịch bản phim có một phần phóng tác truyện Rashomon, và một phần phóng tác truyện Yabu no naka. Ở phần phóng tác truyện Yabu no naka, Kurokawa Akira đã  đưa thêm phần suy đoán của mình - dưới dạng lời kể của người đốn củi ( kể dưới cổng Rashomon, chứ không phải là lúc khai trước công đường) và lời phỏng đoán của gã nô bộc - về  án mạng bí ẩn trong rừng cây. Còn ở phần phóng tác truyện Rashomon thì Kurosawa đã viết lại với chủ đích của mình.  

(1) Trước hết, xin tạm tóm tắt lại lời khai của các nhân chứng chính trong truyện Yabu no naka như sau:  

1- Người đốn củi - khi khai trước công đường-: Vào rừng bắt gặp chiếc nón của người đàn bà bỏ rơi trên lùm cây, nhặt được sợi dây, sau đó thấy người chết trong bụi  cây  

2-Tên cướp Tajomaru khai: muốn hiếp vợ của vũ sĩ nên đã lừa vũ sĩ vào rừng trói lại, sau đó lại lừa người vợ vào bụi cây, người vợ thấy chồng bị trói thì rút đoản đao ra kháng cự, nhưng rồi vẫn bị Tajomaru hiếp. Sau đó Tajomaru định bỏ đi, thì người vợ đòi đi theo và đòi Tajomaru phải giết chồng cho mình vì đã bị nhục trước mặt chồng. Tajomaru vốn không muốn giết người để đoạt vợ, nên chỉ lừa chồng để thực hiện ý muốn. Nhưng vì sau đó người vợ đòi theo Tajomaru, và đòi Tajomaru giết chồng, nên Tajomaru đã tỏ ra mình là người hùng bằng cách cắt dây cho vũ sĩ thi đấu với mình và cuối cùng đã giết được vũ sĩ. Tuy nhiên trong lúc hai người đang đấu gươm thì người vợ đã bỏ đi mất. Sau đó Tajomaru lấy gươm và cung tên của vũ sĩ và cưỡi ngựa của vũ sĩ mà bỏ trốn ( Sau đó Tajomaru bị ngựa hất ngã và tình cờ  bị sai nha đi qua đó bắt giải ra công đường )  

3-Người vợ khai: Sau khi bị hiếp, thấy chồng nhìn mình bằng ánh mắt khinh bỉ thì tức giận, đã nhặt thanh đoản đao lên toan giết chồng,  rồi bị ngất, khi tỉnh dậy thì thấy thanh đao của mình trên ngực chồng. Vợ bèn rút đao ra toan tự sát, lại tìm đủ cách tự tử nhưng không đủ can đảm, nên mới vào chùa tự thú.  

4-Hồn vũ sĩ khai qua lời người lên đồng : Sau khi vợ bị hiếp còn nghe lời phỉnh phờ của tên cướp dụ dỗ làm vợ hắn mà xin theo hắn. Hơn nữa vợ lại còn bảo tên cướp hãy giết chồng cho mình. Tên cướp đã gạt lời vợ đi mà hỏi vũ sĩ phải xử trí người đàn bà ra sao. Lúc đó vợ thừa cơ  bỏ trốn. Tên cướp cởi trói cho vũ sĩ rồi cũng bỏ đi. Vũ sĩ khóc một lúc rồi nhặt lấy đoản đao của vợ tự sát, và trước khi chết còn mơ hồ thấy ai đó tới rút đoản đao trên ngực mình.  

Như thế là lời khai của các nhân chứng đều khác nhau: Tên cướp và vợ vũ sĩ đều nhận tội đã giết vũ sĩ, còn hồn ma vũ sĩ thì tự nhận đã tự sát.

Có lẽ các độc giả Rashomon đều thắc mắc muốn biết ai là người đã giết vũ sĩ, và mỗi người tự mình tìm ra một giải đáp cho án mạng này.  

(2) Là một độc giả, sau khi đọc truyện Yabu no naka ( và khi chưa xem phim Rashomon) tôi đã suy đoán như sau  

1-Tên cướp Tajomaru:  

(a)Có lẽ chính hắn đã giết vũ sĩ thật, vì nếu không phải là thủ phạm thì không đời nào hắn nhận tội giết người, vì cực hình có thể là một bản án bêu đầu chứ không ít.   

(b)Lời khai của hắn có vẻ huênh hoang tự đắc. Hắn nói người vợ xin theo hắn mà không nói là hắn đã dỗ dành vợ vũ sĩ theo mình ( như lời khai của hồn ma vũ sĩ ) cũng là vì vì tự ái của đàn ông Nhật, không muốn cho ai biết là hắn đã phải quỵ lụy đàn bà. Hắn giết vũ sĩ theo lời yêu cầu của người vợ, nhưng giết chồng rồi lại bị vợ bỏ trốn nên hắn càng tự ái thêm, nên cứ muốn nói là người đàn bà xin theo hắn.  (c)Hắn đã giết người chồng bằng đoản đao. Nhưng vì tự ái của tên cướp muốn huênh hoang là mình giỏi võ nghệ, nên hắn không muốn thú nhận là đã làm rơi kiếm và đã nhặt thanh đoản đao của người vợ để giết vũ sĩ.   

2- Người chồng :  

(a)Vì đã đoán rằng thủ phạm phải là tên cướp, nên tôi suy đoán rằng hồn ma vũ sĩ này ân hận một điều là đã không được chết một cách vinh dự bằng cách tự sát- một quan niệm chung của người Nhật thời xưa-, nên đã nói dối rằng đã tự sát bằng đoản đao của vợ bỏ rơi lại.  

(b)Tuy rằng trong thực tế nếu không bị giết vũ sĩ cũng có thể tự sát vì tủi nhục, bởi đã nổi lòng tham tìm gươm trong cổ mộ nên mới bị tên cướp lừa gạt, rồi bị nhục vì vợ không tự sát khi bị hiếp, lại đòi theo tên cướp và đòi giết mình. Người Nhật thời xưa quan niệm chết vinh hơn sống nhục, các vũ sĩ có tội được phép harakiri ( mổ bụng) để chết không ô nhục. Danh tướng Oda Nobunaga (1534 -1582), được coi là người anh hùng số một của Nhật Bản, khi đến thăm và ở lại chùa Honnouji bị thuộc hạ làm phản đốt chùa, thì các tuồng tích đời sau đều mô tả là khi biết mình trở tay không kịp, danh tướng và vợ đã cùng quay vào trong ngọn lửa đang cháy rực. Người Nhật hiện nay vẫn còn cảm kích về một tấm gương anh hùng thời cận đại ( thời đại Meiji ), đó là đội quân dự bị Byakukotai ( Bạch Hổ Đội), gồm các thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi của phiên Aizu, trong cuộc chiến giữ thành Tsurugajou (1868), đã tự sát khi tưởng thành bị thất thủ.

Nhưng thật ra nếu chưa sa vào bước đường cùng thì các vũ sĩ vẫn còn sinh lộ là hạ đối phương để rửa nhục.   Lẽ ra người vũ sĩ trong Yabu no naka phải nhặt lấy thanh đoản đao băng mình đuổi theo tìm tên cướp mà rửa nhục, hay ít nhất có lẽ cũng phải hạ tên cướp trước khi tự sát chứ nhỉ ?

Tuy nhiên có lẽ tác giả Akutagawa Ryunosuke đã khôn khéo cho án mạng Yabu no naka này mãi mãi ở trong bức màn bí mật. Bởi vì trong truyện, hồn vũ sĩ đã chẳng kể rằng tên cướp không thèm nghe yêu cầu đòi giết chồng của vợ vũ sĩ, mà tên cướp đã hỏi ý vũ sĩ nên xử trí thế nào, và chính giây phút khi nghe câu nói này của tên cướp thì vũ sĩ rất hả dạ muốn tha hết tội lỗi cho tên cướp rồi đó sao !

Tha thứ có nghĩa là không cần trả thù nữa. Chỉ còn việc tự xử mà thôi.

Thú thực là khi nghĩ như vậy thì tôi cũng mất tự tin, không biết mình đoán vũ sĩ bị tên cướp giết như thế là có đúng hay không.  

(c) Đối với vợ, vũ sĩ không hề mảy may thương xót, vì quan niệm rằng đáng lẽ vợ phải dùng thanh đoản đao để  tự sát hầu bảo toàn danh tiết. Có lẽ vũ sĩ đã nhìn vợ với ánh mắt lạnh lùng khinh bỉ đúng như lời người vợ đã khai.  

3-Người vợ     

(a)Có lẽ nàng đã bỏ trốn khi hai bên đấu kiếm,  rồi khi trở lại chính nàng đã rút đoản kiếm ra khỏi ngực chồng. Rất có thể là nàng đã toan tự sát mà không đủ can đảm như đã tự thú.  

(b)Sau án mạng người vợ đã tìm vào chùa tìm sự cứu rỗi, với lòng ân hận nàng đã nhận lấy tội giết chồng, tuy rằng chính tay mình không hạ thủ. Có lẽ nàng cảm thấy tội lỗi vì đã không đủ can đảm tự sát ngay từ  lúc đầu và  sau khi chồng chết  

(c)Nàng muốn che giấu sự yếu đuối và thất tiết nên đã giấu hẳn chi tiết mình đã toan nghe theo lời tên cướp  nên đã định đi theo hắn, rồi lại xúi hắn giết chồng. Nhưng một cách gián tiếp nàng muốn nói lên sự tủi nhục vì bị chồng nhìn bằng ánh mắt lạnh lùng khinh bỉ,  và muốn được thông cảm : đó là chính ánh mắt tàn nhẫn của chồng đã là nguyên nhân khiến nàng xúi tên cướp giết chồng cho mình !

  (3) Suy đoán của Kurosawa Akira về án mạng "Yabu no naka"   

Trong phim Rashomon, Kurosawa Akira đưa ra suy đoán của ông về án mạng Yabu no naka bằng cách cho nhân vật người đốn củi đã tỏ ra hoang mang không hiểu tại sao những người trong cuộc lại khai man như thế, là vì chính mắt anh ta đã mục kích đầu đuôi sự tình như sau:  

1-Tên cướp Tajomaru đã cúi dập đầu xuống đất mà năn nỉ vợ vũ sĩ bằng lòng theo mình

2-Người vợ đã dùng đoản kiếm cắt dây trói chồng và thúc hai người đàn ông đấu kiếm, nàng nói sẽ  đi theo người thắng.

3-Người chồng vũ sĩ từ chối không chịu đấu kiếm chỉ vì tranh một người đàn bà, nhiếc mắng vợ không biết tự sát.  

Nhưng rồi  cuối cùng họ lại đấu kiếm để tỏ ra họ không hèn nhát, bởi lời khiêu khích của người vợ vũ sĩ. 

Cảnh  đấu kiếm rất sinh động và thực tế, họ đánh rơi gươm nhiều lần, thở hổn hển bỏ chạy hay bò dài trên mặt đất, một hình ảnh rất tượng trưng cho thấy họ thực tâm muốn bám víu lấy sự sống. Người đàn bà bỏ đi trong khi họ đấu kiếm. Cuối cùng tên cướp đã giết được vũ sĩ bằng đoản đao của người vợ .      

4- Và cuối cùng, tuy người đốn củi cũng dấu diếm, nhưng rồi bị gã nô bộc dưới cổng chùa vạch ra "sự thật ", là chính người đốn củi là người đã rút thanh đoản đao trên ngực vũ sĩ, vì cần tiền nuôi con ( sáu đứa, như ông cho biết ở cuối phim).  

Những suy đoán này của Kurosawa Akira rất hợp lý theo quan niệm của người Nhật, đó là :

(a)Chồng chỉ nhiếc mắng vợ đã không tự sát mà không thương xót

(b)không muốn đấu kiếm chỉ vì một người đàn bà

(c)Tên cướp háo sắc đã dỗ dành người vợ theo mình, nhưng sau đó lại vì tự ái đã khai là người vợ xin đi theo hắn

(d)và người chồng vũ sĩ quả là đã bị tên cướp giết, nhưng vẫn muốn nghĩ là mình đã tự sát

Suy đoán của Kurosawa Akira còn có những điểm thú vị là

(e) bộc lộ thêm một khía cạnh rất mãnh liệt nơi tính tình của phụ nữ Nhật bản (mà có lẽ chỉ các ông chồng Nhật mới biết) sự mãnh liệt này được giấu kín sau nét mặt và cách ăn nói luôn luôn thùy mị dịu dàng của phụ nữ Nhật nói chung !

(f) cả vũ sĩ lẫn tên cướp thật ra đều sợ chết, bất đắc dĩ mà họ phải đấu kiếm với nhau.        

(4) Kurosawa Akira xua đi bóng tối nơi cổng Rashomon   

Sau khi đọc và dịch truyện ngắn Rashomon, tôi vẫn không mường tượng được là câu chuyện về tính ác của con người này đã được phóng tác thành phim như thế nào cả.       

Khán giả xem phim Rashomon chỉ thấy hình ảnh chiếc cổng ( cổng giả) đã đổ nát một nửa, và nếu không đọc truyện có lẽ không biết được chiếc cổng trong thực tế như thế nào. 

Cổng Rashomon thật sự vốn là một cửa ô của thành Heiankyo xưa kia, nay thuộc địa phận thành phố Nara. Thành Heiankyo được xây mô phỏng theo thành Trường An của Trung Hoa, ở bốn phía đông tây nam bắc có bốn cửa thành, có lẽ cũng giống như các cửa ô của Hà Nội hay cửa Thượng Tứ hay cửa ô nào đó của kinh thành Huế. Cổng Rashomon sau đó bị đổ nát và ngày nay không còn nữa.

Akutagawa Ryunosuke đã tả vài dòng về cổng Rashomon khi đã bị đổ nát như sau

Cổng bị bỏ mặc tiêu điều hoang phế, chỉ tổ cho chồn cáo cùng quân trộm cắp thừa cơ đến dùng làm nơi trú ẩn. Thậm chí cả những xác chết đường chết chợ không người tới nhận cũng được đem vứt ở đây, như đã thành một cái lệ. Vì thế hễ trời chạng vạng tối là mọi người đều ghê sợ, chẳng một ai dám bén mảng đến gần cổng.

Thay vào đó, vô số quạ không biết từ đâu kéo cả về đây. Ban ngày nhìn về phía cổng thấy không biết bao nhiêu là quạ bay thành vòng tròn, vừa kêu vừa lượn lờ quanh miếng ngói phù điêu trên cùng. Nhất là hễ đến lúc ráng chiều nhuộm đỏ khoảng trời phía trên cổng, thì nom cứ như là nền trời có rắc vừng đen. Dĩ nhiên lũ quạ đến rỉa xác người chết vứt nơi cổng.…

…chiếc cầu thang cũng sơn son đỏ, bề ngang khá rộng, bắc lên tầng gác của chiếc cổng đã lọt vào mắt gã.  

Cổng Rashomon không còn nữa, nhưng nếu đến Kyoto có dịp leo lên gác của cổng chùa Nanzenji ( Nam Thiền Tự)- nay được xem là tài sản văn hóa quốc gia của Nhật bản, bạn có thể tưởng tượng rằng chiếc cổng Rashomon cũng có tầng gác tương tự (xin xem chú thích). Gác cổng chùa Nanzenji rất lớn có điện thờ, và có hành lang rất rộng như ban công xung quanh gác. Còn cổng Rashomon là một trong những cổng thành, là nơi đón tiếp sứ thần Trung Hoa, có lẽ cũng đã từng được dùng làm đài canh gác, là nơi cất giáo mác cung tên phòng khi kẻ địch tấn công.

Một cổng Rashomon như vậy đã bị bỏ hoang tiêu điều, trở thành sào ổ cho chồn cáo và kẻ trộm cắp, thậm chí thành nơi vứt xác chết. Đó là bối cảnh đã xảy ra cảnh người sống nhổ tóc người chết để làm tóc giả làm kế sinh nhai, và chính cảnh tượng ấy đã xô đẩy gã nô bộc thất nghiệp có cớ biện hộ cho việc gã có thể làm bất cứ việc gì để tìm đường sống, mà đầu tiên là lột hết sống áo của bà già.

  Con người  dưới ngòi bút của Akutagawa Ryunosuke có đủ hai nhân tố thiện ác, như tâm lý của gã nô bộc muốn bênh vực cái thiện công phẫn trước cái ác khi chợt thấy bà lão nhổ tóc xác chết, toan rút đao đâm bà. Nhưng tiếp theo đó, Akutagawa Ryunosuke đã phân tích tình huống khách quan đưa người ta tới cái ác. Trong "Bốn bề bờ bụi" (Yabu no naka) Akutagawa Ryunosuke cho thấy cho đến ngay cả hồn ma cũng không nói lên sự thật, những sự thật không hay ho mà người ta muốn che giấu.  

Con người mà Kurokawa Akira muốn thể hiện, qua nhân vật người đốn củi, cũng mang trong người cả hai tính thiện ác, tính ác thể hiện khi khai trước công đường thì vì muốn giấu nhẹm việc mình đã  lấy trộm thanh đoản đao nơi ngực người vũ sĩ nên đã không dám khai ra sự việc đã chứng kiến, và  tính thiện được thể hiện qua việc đón nhận đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi dưới cổng Rashomon về nuôi, mặc dù ông ta đã có một đàn con đông sáu đứa.     

Nếu gã nô bộc của Akutagawa Ryunosuke đã biến vào màn đêm và không biết đã đi đâu,  thì nay mưa đã tạnh, bầu trời lại hửng sáng trên mái cổng Rashomon, và người đốn củi của Kurosawa Akira từ nay sẽ bảo bọc chở che cho  em bé sơ sinh trong cánh tay ấm áp, cho dù manh áo ấy rất nghèo nàn đơn sơ.   

   (4/9/2007) 

        *Chú Thích :

(1) và (2) Hai truyện này trong “Trinh Tiết, Tuyển tập truyện ngắn Akutagawa Ryunosuke “, nxb Văn Học, 2006

(3) Phim Rashomon, có thể xem tại địa chỉ sau :

http://video.google.com/videoplay?docid=2772827266425414401

(4) Cổng chùa Nanzenji :



Cổng chùa Nanenji

(5) Cổng Rashomon :

Cổng Rashomon bề ngang khoảng 35 mét, cao 21 mét và dầy khoảng 9 mét. Cổng uy nghi đồ sộ, đã từng được dùng làm cửa đón các đoàn sứ giả Trung Hoa.

Mô hình cổng Rashomon :

  Về tên gọi: Rashomon vốn viết chữ Hán là La Thành Môn. Chữ Thành trong tiếng Nhật vốn đọc theo Ngô âm là “Jou”, theo Hán âm là “Sei”, nhưng về sau được đọc trại đi là “Sho” giống như cách đọc chữ Sinh, và người đời sau quen viết Rashomon là La Sinh Môn. Akutagawa Ryunosuke viết truyện “Cổng Rashomon” với các chi tiết của một vài truyện cổ, trong đó nội dung chính là truyện “Người ăn trộm nhìn thấy xác chết trên gác cổng La Thành Môn “, nhưng ông cũng dùng chữ La Sinh Môn.

Cổng Rashomon xây vào năm 798, đã bị đổ vì bão vào năm 816, được trùng tu rồi lại bị gió thổi sập vào năm 980 và từ đó bị bỏ bê. Năm 1023 đá xây cổng Rashomon còn bị lấy cả đi để xây chùa Houjoji ( Pháp Thành Tự ) nên ngày nay chỉ còn lại một vài tảng đá và chiếc cột dựng tại cùng địa điểm cho biết dấu tích xa xưa.

Cổng Rashomon tại phim trường :

  Cổng Rashomon dựng tại phim trường của công ty điện ảnh Daiei ở Kyoto, cao khoảng 20 mét, bề ngang khoảng 33 mét, và bề dầy ( sâu) khoảng 22 mét, có 18 chiếc cột chu vi khoảng 1,2 mét, và mái cổng đang sập được lợp bằng 4000 miếng ngói có in niên hiệu Diên Lịch thứ 17 ( năm 789)




© CẤM ĐĂNG TẢI LẠI NẾU KHÔNG CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ VÀ NEWVIETART .


TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN TRUYỆN NGẮN ÂM NHẠC