TÁC GIẢ
TÁC PHẨM




. Tên thật Đỗ Mạnh Tường.

. Sinh ngày 10-7-1932 tại Yên Bái
trong giấy tờ tuỳ thân 1936.

. Khởi sự viết văn cuối 1952.

. Truyện ngắn đầu tiên Đời học sinh ký Tương Huyền đăng trên nhật báo Tia sáng ở Hà Nội (17-11-1952), Ngô Vân, Chủ nhiệm).

. Truyện dài đầu tiên in ở Sài Gòn: Tình Sơn Nữ (1954).

. Tổng số trên 50 tác phẩm đủ thể loại: thơ, truyện, phê bình, khảo luận, dịch thuật.

Từ 1952, ở Hà Nội cộng tác với các nhật báo Tia sáng, Giang Sơn, tạp chí Quê hương, phóng viên các báo Thân Dân (Nguyễn Thế Truyền), Dân chủ (Vũ Ngọc Các) (Hà Nội: 1952-1954). Chủ nhiệm tuần báo Mạch Sống, Dương Hà chủ bút - báo chỉ xuất bản được một số rồi tự đình bản vào 1955 ở Sài Gòn.

. Cộng tác viên, tạp chí ở Sài Gòn: Đời Mới, Nguồn Sống Mới, Văn Nghệ Tập San, Văn Hoá Á Châu, Tân Dân, Tạp chí Sống (Ngô Trọng Hiếu), Sinh Lực, Đời, Nhật Báo Sống, Tuần báo Đời (Chu Tử), Trình Bầy, Tiền Tuyến, Sóng Thần (Uyên Thao), Lý Tưởng,v.v… -

Đăng truyện ngắn Les Immondices dans la banlieue trên báo Le Monde Diplomatique (Paris 12-1970)

Đăng thơ trên tạp chí Tenggara, Kuala Lumpur - Malaysia) từ 1968-1972- sau in lại thành tập: Asian Morning, Western Music (Sài Gòn 1971, tựa Gs Lloyd Fernando).





BÚT KÝ & TRUYỆN


THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 1/2

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E -mail 2/2

CHÀNG VĂN SĨ ĐẤT TỀ

ĐÊM DÀI TÌNH ÁI

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 3

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA -Chương 1 Kỳ 1

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 1 Kỳ 2

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 2

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 3

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 2/2

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 3

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 3 tiếp theo

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 4

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 4

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 5

CON CHÓ LIÊM SỈ

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 6

HÀ NỘI BỐN MƯƠI NĂM XA - Chương 5

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 7

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 8

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 9

THƯ VIẾT Ở SÀIGÒN - E-mail 10 - KẾT





BIÊN KHẢO


LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 1

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 2

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 3

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 4

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 5

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 6

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 7

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 8

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 9

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 10

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 11

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 12

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 13

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 14

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 15

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 16






















THAY LỜI DẪN

Lược Sử Văn Nghệ Việt Nam của nhà văn Thế Phong gồm 4 tập, đã được in 2 tập: Tập 1 NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930-1945, bản in ronéo đầu tiên ở Sài Gòn gồm 100 cuốn vào năm 1959. Bản tái bàn cuả NXB Vàng Son in 3000 cuốn ở SàiGòn vào năm 1974. Bià cuả họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi được chụp in lại trên đây , do một trong những NXB vô danh ở Mỹ in lậu ở California sau 1975 và Tập 4 : Tổng Luận đã chuyển ngữ A BRIEF GLIMPSE AT THE VIETNAMESE SCENE (from 1900 to 1956) và 2 tập 2 & 3 nói về văn nghệ kháng chiến, nhà văn hậu chiến 1900 - 1956 (văn nghệ quốc gia hay văn nghệ của VNCH) chưa bao giờ công bố trên văn đàn, mặc dù đã được lưu trữ tại một số thư viện TRONG NƯỚC (Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM, Thư viện Khoa học Xã hội Tp.HCM) và NGOÀI NƯỚC như ở Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Boston, Ithaca-New York, SIU, IOWA vv..hoặc ở Pháp, Đức, Úc..

Newvietart xin đăng tải lại một vài nhận định báo chí, văn giới về Lược Sử Văn Nghệ khi xuất bản lần đầu vào 1959 :

a) Tạp chí Bách Khoa:" ..Ông TPhong vừa cho ra một loạt phê bình văn học. Đó là ai nấy đều mong đợi, bởi vì sau một thời gian khá lâu chưa ai tiếp tay Vũ Ngọc Phan, chốc đà mười mấy năm trời' đúng một thời gian luân lạc cuả cô Kiều...."( số 56, năm 1959, TRIỀU ĐẨU)

b) Ông TP một văn nghệ sĩ thủ đô vừa viết xong và cho phát hành cuốn" Lược sử Văn Nghệ VN", trong đó tác giả phân tích các tác phẩm của văn nghệ sĩ ra đời từ 1930 đến 1945. Cuốn này được quay ronéo có bầy bán tại các hiệu sách. Sách này tác giả đã tốn nhiều công phu và sưu tầm khá nhiều tài liệu để biên soạn (nhật báo Ngôn Luận ngày 8/9/1959- Saigon).

c) ..." Điều thứ ba, sự phán đoán của anh hợp với ý tôi, phần nhiều các tác phẩm anh khen, thì tôi cũng nhận là có giá trị; những tác phẩm anh chê, thì tôi cũng không thích. các nhận xét cuả anh về Triều Sơn, Hoàng Thu Đông đều đúng cả. Đó là nhận xét của tôi; tôi phải phục sức đọc, sức viết, sức nhớ cuả anh. Cảm ơn anh một lần nữa.." (Nguyễn Hiến Lê, 12/3c Kỳ Đồng, Saigon 3- ngày 17/4/1959)

d) Nguyệt san Sinh Lực (1959, Chủ nhiệm: Võ văn Trưng- Saigon) :"...Hôm nay Thế Phong còn có thể ít nhiều nhầm lẫn-nhưng với khả năng rạt rào của tuổi trẻ, với lòng yêu văn nghệ đến đam mê, anh còn nhiều bước đi ngạc nhiên trên lãnh vực nà để đào xới lại mảnh đất hoang phê bình cảo luận bị bỏ quên trong nhiều năm. Sự cố gắng của Thế Phong là sự cố gắng hoàn toàn văn nghệ, cuả một người văn nghệ biết mỉm cười trong sự nghèo túng bản thân mình để hiến chiều dài cho văn học sử. Cũng có đôi khi ta thấy Thê Phong phê phán có vẻ độc tài và tàn nhẫn nữa; nhưng ta vẫn thấy rằng: đó là sự độc tài và tàn nhẫn không có tính cách tự cao, tự đại; hoặc dao to búa lớn; (trái lại) nhiều tinh thần thẩm mỹ, dĩ nhiên là có chủ quan. Ta quí sự nhận thức ấy- vì anh dám nói- cũng như người khác có dám cãi lại hay không là quyền của họ.." (Lê Công Tâm - Thanh Hữu, nhà văn).

e) Le Journal d'Extrême Orient (Saigon, 3 Décembre 1959)" Lược sử văn nghệ Việt nam-Hisotire de la littérature vietnamienne". Histoire sommaire de la littérature vietnamienne, òu l'auteur passe en revue les écrivains d'avant guerre 1930-1945. Cette oeuvre est tirée sur ronéo avec une tirage limitée. Fruit de minuitieuses recherches et d'une riche documentation donnée une vue d'ensemble des diverses époques et tendances des écrivains, des poètes du Vietnam, de leurs oeuvres, d'une littérature riche de plusieurs millénaires suivant le cours de l'Histoire. C'est une synthèse remarquablement coordonné annotée parle critique éminent qu'est ThếPhong qui l'achevée dans les derniers jours de Juin 1956

(đã in ở cuối sách "LSVNVN-Nhà văn tiền chiến 1930-1945 của ThếPhong, NXB Vàng Son Saigon 1974)...

Từ Vũ và Newvietart chân thành cảm tạ nhà văn Thế Phong đã cho phép đăng tải toàn bộ tập Lược Sử Văn Nghệ, tài liệu không thể thiếu cho những người yêu chuộng văn chương nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt cho những người muốn khách quan sưu tra sử liệu .





VÀI DÒNG TÂM SỰ NGƯỜI VIẾT SÁCH

T rước hết cảm ơn bậc đàn anh bước trước: Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh – Hoài Chân ... (chẳng là gần với tài liệu văn học tham khảo, cũng như so sánh).

Viết sách biên khảo hay phê bình, giá trị nhiều hay kém có thể nằm trong vài ý kiến dưới đây: Lập trường người viết phải có trước khi tìm kiếm tài liệu. Ấy là đã phải kể tới kiến thức, học và đọc; khả năng và tâm hồn văn nghệ nhạy cảm của người viết phê bình.

Lại cần kinh nghiệm, nhỡn quan nhìn, phải được chế biến theo lập luận người viết càng nhuyễn, sách càng phong phú. Không thể coi sách tương tự như cours nhà trường, làm thành gọi là biên khảo, phê bình văn học. Cũng như étude, non-fiction, fascicule, étude critique sur critique phân minh rõ ràng.

Tài liệu dồi dào, nhưng tài liệu nào chưa đọc, không nên bao biện. Người viết không định ý, lập luận; hẳn tài liệu phong phú dồi dào đi nữa; cuối cùng người viết chết theo với tài liệu sưu khảo được. Nhớ tới Nguyễn Hiến Lê trong một sách biên khảo bàn về tài liệu, nhất là tìm tài liệu văn học, sử học Việt Nam khó gấp bội phần khi sưu tập tài liệu tương tự ở nước ngoài. Ý kiến thật xác đáng. Nước ta triền miên khói lửa, và tầm mức thẩm định giá trị tài liệu văn học chưa được sử dụng đúng mức, công bằng.

Cộng đời sống thấp kém, ít thời giờ đọc sách, mua sách, bảo tồn sách, nên tủ sách văn học Việt Nam cần cho người viết sử dụng còn ở tình trạng rất thiếu thốn.

Khi viết bộ sách này, khích lệ tôi nhiều nhất phải kể tới một người: đó là anh Nguyễn Đức Quỳnh. Ông nhắn nhủ tôi rằng: “tài liệu nhiều chưa chắc đã là một yếu tố thành công, còn phải dám làm, dám nhận trách nhiệm”.

Đôi khi, chính kẻ dám làm lại liều lĩnh và dám biết mình ngu. Như vậy, chắc chắn tôi biết trách nhiệm khi viết sách. Cảm ơn một lần nữa nhà văn lão thành Nguyễn Đức Quỳnh, ông bạn văn tiền chiến vong niên. Nữa, cho tôi xin cảm ơn thêm vài tấm áo vải lao động: như anh chị Hai Nụ ở Xóm Chùa (Tân Định) làm nghề thợ thêu. Anh chị nuôi sống tôi hai năm trời: cơm và nhà ở. Nhà thuê vào năm viết bộ sách là một trăm năm mươi đồng. Tiền cơm bốn trăm đồng. Chưa hết, ông già Lịch bán thuốc lá, cũng ở đây; cho tôi chịu khoảng hai ngàn đồng tiền thuốc lá. Thuốc lá Ruby khoảng sáu đồng một bao. Sáu tháng liền, tôi chỉ đi ra tới ngõ; xa hơn là 147B Trần Quang Khải (Sàigòn 1) tới tiệm cho thuê sách Đức Hưng. Nơi này đủ gần hết tác phẩm tiền chiến, giấy dó Hàn Thuyên, mướn đem về đọc để làm tài liệu viết. Một người bạn nữa anh Lung cũng ở Xóm Chùa ngập nước, có một tủ sách khá lớn. Anh cho mượn và tôi sử dụng một cách sở hữu chủ. Anh từ miền Bắc vào Nam lâu, có viết báo tài tử, một người thật chân tình. Phải chăng chân tình này làm tôi cảm động, khi nghe kể đoạn đời anh tham gia kháng chiến ở Nam Bộ bị Pháp cầm tù. Đời tù đầy thêm kinh nghiệm sống, đời quất ngọn roi phũ phàng bao nhiêu, nạn nhân chịu nổi hờn đau sẽ sống lâu hơn; sau thì người ấy sẽ được liệt vào bậc tốt nhất xã hội trên mọi phương diện.Và một bạn học cũ Hà Nội : Tạ Văn Tài đạp xe đạp thăm tôi để khích lệ - trước khi anh đậu hai thủ khoa Văn chương và Luật khoa Sài Gòn rồi sang Mỹ du học.

THẾ PHONG





BÀI THỨ 16

Tiết 3

ĐIỂN HÌNH TRUYỆN PHONG TỤC THÔN QUÊ, LOÀI VẬT.

TÔ HOÀI

(1920 - )

Tiểu Sử.

Tên thật Nguyễn Sen. Sinh năm 1920. Ban đầu viết cho báo Hà Nội Tân Văn của Vũ Ngọc Phan và xuất bản nhiều tác phẩm tiểu thuyết. Là nhà văn chuyên viết loại vật, truyện nhi đồng, loại vật có tính cách giáo dục con người. Ông còn viết loại truyện tả phong tục thôn quê, với giọng văn căm thù hướng về phản kháng. Hiện nay sống ở miền Bắc.

Tác Phẩm và Khuynh Hướng.

Dế mèn phiêu lưu ký (1942), U Tám, v.v… Tác phẩm tiểu thuyết khác như Quê người (1942), hậu chiến NXB Á châu tái bản: Giăng thề, Xóm Ao Sen, Đêm mưa, Cỏ dại, O chuột, Xóm giếng ngày xưa (NXB Chính Ký Hà Nội tái bản 1952). v.v... O chuột, tác phẩm đầu tay của Tô Hoài. Có khuynh hướng xã hội, Ông phơi bày cho người đọc qua giọng văn căm thù, tố cáo xã hội thống trị bóp nghẹt kinh tế. Tác phẩm về loài vật mang lập luận hướng dẫn tự do là cần thiết và góp vào sự phong phú cho văn học. Lối sống của Con gi đá, Chuột bạch được nhân cách hóa; chúng cũng có lối sống như người. Giọng kể truyện nỉ non hấp dẫn của Tô Hoài làm say mê người đọc. Tuy không là lối khảo cứu như La vie des fourmis (Đời sống loài kiến) của ngoại quốc, hay khảo cứu về động vật, côn trùng; nhưng truyện loài vật là tiểu thuyết nhân cách hóa.

Nhận định về hoàn cảnh xã hội và bối cảnh truyện.

Truyện loài vật được nhân cách hóa chính là tả người, đây cũng là một chủ ý nhà văn bị ẩn ức, thiếu tự do được biểu hiện sự thực của đời loài vật. Với tiêu chuẩn này khi nhận định phân tích tác phẩm của ông:

- Dựa vào hoàn cảnh xã hội, dưới mắt nhà văn Tô Hoài.

- Ảnh hưởng từ cuộc sống xã hội đến cuộc đời tác giả và tác phẩm.

- Kết luận của tác giả ra sao đối với xã hội?

Giữa xã hội bị thống trị, nhà văn, nói chung, Tô Hoài, nói riêng; không mỗi lúc đưa ra lối thoát: NGHÈO, ĐÓI, NHỤC = CÁCH MỆNH. Đã biết rằng chỉ cách mệnh mới giải quyết được hoàn cảnh gò bó, thối tha, phản nhân bản, Nhưng muốn thế, như Lỗ Tấn nói cần phải có giọng văn căm thù; thì nhà văn mới có bước đi trước để tác động đồng chủng. Tình trạng nhà văn trong nước, nhất định phải chịu luật kiểm duyệt sách in của Chính phủ bảo hộ. Như vậy, không hoàn cảnh nào cho phép nhà văn sáng tác tác phẩm chống đối quá lộ liễu. Như trước đây, chúng tôi nhớ rằng trong cuốn Văn nghệ và Phê Bình(74), Tam Ích cho Khái Hưng không nói được cái gì, vì tiểu tư sản nào có điển hình cho cái gì cho xã hội đâu? Nam, ông giáo Chương, Tuyết... và ông kết luận sao Khái Hưng lại không như Maxime Gorki viết La Mère (Người Mẹ)? Khi xét một tác giả, đánh giá trị chung; nên còn qua mắt nhận định Tam Ích không vượt được nhìn sâu và không nhìn thẳng vào tư tưởng giai tầng sống tác giả và hoàn cảnh chính trị xã hội mà nhà văn đó sống. Người Mẹ của Maxime Gorki viết ở Capri năm 1907; khi ông sang trị nạn chính trị ở Ý, vì không chịu được hoàn cảnh thống trị lúc bấy giờ của Nga Hoàng. Nếu Maxime Gorki ở Nga dưới chế độ Nga Hoàng, hẳn rằng không thế nào Người Mẹ có thể xuất bản được. Nên một tác phẩm chia thành hai phần chính yếu và gồm nhiều mục, thì:

Trình bày hoàn cảnh, sự kiện.

Giải quyết sự kiện nêu ra.

Đưa ra bằng hình tượng mà không cần giải quyết?

Không cần giải quyết mà người đọc có thể có kết luận…

Và giọng văn hướng dẫn, gây căm thù tiến tới đả phá chế độ mà nhà văn giải quyết trong tác phẩm ẩn thể.

Thì văn chương trong nước bị hạn chế tự do, chỉ dám giải quyết sự việc bằng hai phương pháp như dưới thôi. Tác giả tả cảnh nghèo không lấy được nhau, nguyên nhân tại sao? Nếu cho nhân vật không phải thiếu thủy chung, đưa ra hoàn cảnh sống eo hẹp, vậy tác giả định nói gì? Tố cáo hệ thống kinh tế suy sụp, đời sống eo hẹp. Đúng; cho nên Nguyễn Đình Lạp đã giải quyết sự kiện kết cấu giữa Nhớn và Khuyên bỏ đi, Nhớn nhờ Sẹo đến mả mới, đào lấy hai chiếc nhẫn cạnh xác chết, để có tiền rủ nhau chung hưởng hạnh phúc. Tác giả nói lên sự nghèo khổ, sự mất thăng bằng thứ bậc gia đình; sự cải tổ mới lớp người không chịu nổi luân lý cổ truyền. Và tất nhiên người đọc suy nghĩ miên man đi đến kết cấu nào đưa đến thế, nếu không là chế độ chính trị…?

Người đọc sẽ hiểu biết, thức giấc quyền lợi, nghĩa là dẫn họ biết quyền lợi được quyền đòi hỏi. Họ chưa dám có ý nghĩa hành động, nhưng nếu thế hệ mới có người cách mệnh tài ba chỉ huy, hướng dẫn, họ sẽ ngả theo chống lại chế độ. Chúng tôi không đồng ý rằng có truyện không đưa ra kết luận là hại làm độc giả hoang mang. Sự gọi là phản bội độc giả, một số người yếu đuối để hoàn cảnh lôi kéo, song thiết tưởng cuộc cách mệnh hoàn thành tránh sao được đổ máu? Thiết thực là phá ít xây dựng nhiều. Còn nếu phê phán một tác giả như Tam Ích nhận định trên kia, quả là tác giả sống một thứ bậc, sản phẩm tinh thần trong thứ bậc, rồi kẻ phê bình nếu không điên cũng mất trí óc để nhìn theo con mắt, lập trường mình trong một thứ bậc khác đả kích. Lối này là của Mác xít thường dùng.

Nhà văn và nhà cách mệnh, hai hình bóng song hành với nhau. Có khi nhà văn cho nhà cách mệnh rõ hoàn cảnh xã hội qua tác phẩm (Tạ Thu Thâu và Vũ Trọng Phụng). Có khi nhà cách mệnh phải cần nhà văn thức giấc quần chúng bằng văn chương cách mệnh qua giọng căm hờn (Lénine và Maxime Gorki) với tác phẩm Người Mẹ và cuộc lật đổ Nga Hoàng. Và người gia nhập đảng chỉ vì đọc Người Mẹ không cần hỏi cương lĩnh. Văn hóa nói chung, văn nghệ nói riêng, tác động chính yếu cho chế độ chính trị cũng như chủ nghĩa cách mệnh.

Phân Tích Tác Phẩm Chính.

Quê hương một truyện dài của Tô Hoài, tác giả trình bầy sinh hoạt thôn quê, nghèo đói không đủ sống, nên đã có người vào nước Sề Goòng kiếm ăn. Đã có mối tình tan vỡ vì nghèo đói. Tất cả những cảnh khổ não chuẩn bị về cơm gạo trong luận đề, là tìm sống ở đất khách quê người.

Giăng Thề một tác phẩm thuộc loại điển hình văn nghiệp Tô Hoài, cũng như truyện loài vật: O Chuột, Con gi đá, (Truyện loài vật nhà xuất bản Chính Ký tái bản ở Hà Nội vào 1950...), Xóm giếng, Ngày xưa, Chuột thành phố...

Giăng Thề cuốn tiểu thuyết tả nếp sống tiểu trí thức thôn quê, một thư lại gọi là thầy ở thôn quê hẻo lánh; và sự kiện tranh đấu cho miếng cơm manh áo, tình yêu, vô cùng chật vật. Hẳn chúng ta còn nhớ Vũ Trọng Phụng cho thấy thực trạng bóp nghẹt của chế độ chính trị trong Giông Tố, muốn mở trường dạy học, sáu đứa trẻ trở lên, phải xin phép. Nói làm gì đến lớp bần dân khổ biết chừng nào, khi tiểu trí thức và trí thức kẻ giác ngộ quyền lợi mình và quyền lợi đồng chủng còn bị áp chế.

Câu nhân vật chính, cậu giáo viên làng Hạ Nha. Sinh hoạt phí giáo viên do trường làng cấp phát, từ quỹ tự trị hương thôn. Nhu cầu vật chất giáo viên lên xuống theo sinh hoạt dân làng; đói, no, thiếu thốn, đầy đủ. Nhưng Câu nghèo quá, ngoài việc dạy học, Câu muốn kiếm thêm tiền bằng cách nuôi gà. Tô Hoài đưa người đọc cảm thông sinh hoạt ấy qua:

“… Đàn gà của nhà giáo còn nhiều nữa. Chả thầy Câu có một đàn gà ấp, hai mụ mái đang đẻ, ba chị mái tơ và bốn chú gà trống lớn. Đổ đồng mỗi tháng cũng được ngót hai chục trứng(75) . Trước kia, hễ đến phiên chợ cuối tháng, Câu lại nhờ thằng Vật đem trứng lên chợ bán hộ. Được hai xu thuê nó sướng rơn. Bây giờ ngày phiên cô Miến qua, đem bán trứng giúp chàng. Nhà giáo thấy có một cái gì thú vị trong cử chỉ ấy. Riêng thằng Vật ra lối tức tối hằn học. Muốn đẹp lòng nó, thỉnh thoảng Câu vẫn cho tiền như thường lệ!...” Tô Hoài nhận xét tỷ mỷ, chuyển đoạn sang tình yêu khéo léo. Từ quyền lợi thằng Vật được hưởng từ bán trứng chuyển sang Miến vào đề một chuyện tình, cho người đọc nhận thấy được dàn xếp trơn tru, tiến thoái. Đến đây, Tô Hoài tả một xen tình ái rất ý nhị giữa Câu và Miến. Độc giả từng được đọc nhiều đoạn tả về hẹn hò tình ái tỉnh thành, bây giờ mở thêm phần hình tượng đợi chờ tình yêu thôn xóm:

“…Câu hy vọng Miến đi chợ muộn. Nhưng bây giờ hơn, chẳng thấy bóng cô ả. Anh cho là hôm nay Miến không đi. Nhưng cái sự cho là không đủ che lấp nổi ngại ngần trong lòng Câu. Cho đến xẩm tối, anh vẫn ra đi, lại đi vào, ngong ngóng ngẩn ngơ…. Làm sao Miến không đến. Hẳn có sự gì, cái câu chuyện hát hỏng phẩy gió kia bay đến tai nàng? Nàng tức Câu. Nàng giận Câu rồi. Con gái là hay hờn dỗi lắm. Câu lo. Câu lo quá. Vả lại, ngày ngày nóng ruột nữa. Bữa cơm chiều ấy, anh ta chỉ ăn được có ba vực bát cơm…” Tô Hoài có giọng văn đặc biệt, tả tình nỉ non, dí dỏm. Tác giả gây đột ngột, khiến người đọc đánh dấu hỏi chuyển đoạn dự đoán. Tác giả lại dẫn người đọc vào truyện, tại sao lại có sự giận hờn giữa Câu và Miến? Miến giận hờn có phải chỉ là thái độ ghen bóng gió thường tình con gái, thì được Tô Hoài giải thích thật đáng yêu:

“… Rồi Miến quay ra ngay. Câu cuống quít:

- Này?

- Hừ...

- Tôi hỏi cái mà…

- …

- Mấy hôm nay sao Miến không đến?

- Tôi bận.

- Miến dỗi tôi đấy hả?

Miến cười chua chát: - Ai công đâu mà dỗi cậu. Cậu muốn đi chơi thì đi chứ. Tôi có dám biết đâu?

Cậu nhăn nhó:

- Người ta cứ đồn suýt ra. Chứ thực tôi….

- Tôi oan hẳn. Tôi còn biết nhiều chuyện lạ nữa kia?

- Chuyện gì?

- Chuyện gì thì cậu biết đấy.

Câu bùi ngùi:

- Miến ạ từ giờ tôi chừa! Thực tôi chừa đến ngày xuống lỗ.

Dáng hẳn cái nét mặt của nhà giáo lúc bấy giờ coi thiểu não ngẩn ngơ quá khiến Miến phải bật cười. Cơn hờn đã tan. Mà đâu có chi, cũng chỉ dỗi ít thôi. Nhưng không tỏ vẻ gì khác cô nói:

- Rổ bèo tôi để ngoài ngõ. Tối rồi tôi về đây…”

Sự giẫn dỗi cô gái quê làm cậu giáo quê phải thề thốt, nhúng nha nhúng nhẳng đến là hay! Tô Hoài tả lại thành thật, biểu hiện tâm lý Miến và Câu thật tài tình. Tô Hoài như người vô hình trung gian làm nhân chứng tình duyên. Hậu họa chưa qua được đêm, Câu quên lời hứa lại gặp nhà cô đầu. Câu vô tình trả lời như có mấy nàng cô đầu ghé qua trường Hạ Nha. Thì Tô Hoài lại có dịp kể chuyện tiếp: “…Cho đến lúc tan học, anh vẫn chưa tan cơn ngơ ngác. Anh sợ lịm người đi được. Có hai người cô đầu đến tận trường học ỏn ẻn hỏi chuyện anh. Tất cả sáu mươi chín đứa học trò nhìn thấy như nhau. Chúng đã đương rì rầm khảo rằng thầy giáo ta quen hai cô tân thời. Nhất là những đứa học trò gái lại càng ríu rít bàn mảnh tợn. Chúng nhìn trộm thầy rồi nhe răng sún cười với nhau. Câu chắp tay sau lưng đi đi lại lại, nghĩ bối rối nguồn cơn. Mỗi đứa học trò có một cái miệng để nói truyện bô bô…. Chốc nữa năm xóm làng Nha, ai cũng nghe rõ ràng như thế. Anh sẽ nổi tiếng là tay chơi. Thằng Cử, thằng Chân hai đứa cháu cô Miến cũng học ở đây…” Tô Hoài nhận xét tài tình từng thái độ tâm lý chuyển biến. Hình ảnh, tưởng tượng dồi dào, lối kể chuyện tế nhị lại có duyên. Người đọc nhận ngay thấy cách lập mưu của tác giả đưa ra chưa dứt, giận hờn này sẽ mang đến bao đổ vỡ khác. Bây giờ tác giả bỏ lửng câu chuyện ấy, làm người đọc có độ lắng nhớ nhung. Để chuyển sang trạng thái khác. Hoàn cảnh nhà giáo đồng nghiệp, nghèo, bạc đãi, bị khinh rẻ; yếu tố bọn sinh ra chữ và phổ biến chữ làm sao tránh nổi dưới một chế độ, dù là chế độ nào vẫn miệt thị chiến sĩ bất vụ lợi hy sinh có thừa ấy; nhìn về tương lai huy hoàng hiện tại thân mình bệ rạc! Tô Hoài còn nói điển hình nghèo, nào riêng Câu mà toàn diện thứ bậc cùng hoàn cảnh:

“…Nhà ông giáo Hoạnh có ba gian. Một gian bên kia có cửa đi vào. Đây là buồng vợ ông giáo, nằm với đứa con nhỏ. Trong ấy còn để đồ đạc quý báu gì nữa thì không biết, vì lúc nào cũng tối om om. Bước vào mùi đất mốc xông lên lạnh rợn người. Gian giữa một cái phản mà chồng vừa làm chỗ ngủ của thằng Biên, cái Giá hoặc chính của nhà giáo…. Có mấy ông đồ rau gạch vỡ ngồi ngơ ngác trong mấy đống gio tàn. Vài chiếc nồi treo rải rác ở mấy hốc cột. Dưới mặt đất ẩm, vô khối cụ cóc ngồi châu hẩu thỉnh thoảng lại tép lưỡi bắt ruồi. Có một điều lạ. Nhà này vốn là nhà ông giáo Hoạnh. Phải. Vậy mà đố ai bới đâu cho thấy được một cuốn sách hoặc một lọ mực…”

Đó là Tô Hoài châm biếm sâu độc chế độ chính trị thực dân Pháp đẻ ra sản phẩm như ông giáo Hoạnh. Ông đánh dấu hỏi nhà này ông giáo Hoạnh. - Phải, chính hình tượng này đã vạch rõ nghèo đói đến bi thương khốn nạn cùng cực cuộc đời nhà giáo; thiếu tiền mua sách, bởi không đủ tiền mua gạo. Hình ảnh bi thương chán chường khắc khoải, nữa, mấy chú cóc cụ ngồi châu hẩu tép lưỡi đớp ruồi. Cảnh tiều tụy ấy, Tô Hoài chỉ tả tượng trung, ẩn thể lên án xã hội; đến như vậy là cao độ nghệ thuật bút pháp nhà văn.

Giáo Hoạnh đã nghèo rồi lại mất việc dạy học, phải dọn nhà đi nơi khác. Một buổi, Câu sang thăm về giữa đường gặp người yêu. Tâm trạng Câu bị xâu xé dày vò. Cuộc gặp gỡ Miến ở hoàn cảnh thuận tiện, ngàn năm một thuở, làm sao Câu dám bạo dạn để khơi lời tạ lỗi? Nếu lần này không tỏ lộ để qua đi, rồi thì Câu sẽ mất mối tình vĩnh viễn. Tất cả lo âu ấy được Tô Hoài diễn lại:

“…Bởi anh vừa cười để tự nhạo mình. Vợ con. Có bao giờ Câu dám nghĩ đến chuyện vợ con! Nhất là từ khi ái tình của chàng và Miến phai lạt. Lạt phai vì những duyên cớ mỏng manh không đâu? Bây giờ thì...

Đằng trước không có ai. Bây giờ Câu mới đi qua hết làng Thượng. Chỉ thấy cái mẩu đầu cầu Phượng trăng trắng bắc ngang qua dòng sông Lịch. Câu quay lại.

Có một bóng người đi đằng sau. Dáng cao cao, tha thướt của người đàn bà. Hình như sợ tối và vắng vẻ, người ấy đi rất nhanh sắp kịp Câu. Đến lúc nghe phía sau lạt sạt tiếng bước đụng của đôi quần ống, Câu quay lại. Và Câu trố cả hai mắt ra. Người đàn bà ấy là cô Miến…

- Cô Miến.

Miến nhìn quay lại. Rồi Miến ve vẩy đi ngay. Nhưng câu hỏi thứ nhất đã ra khỏi miệng. Vả lại cứ gọi. Cứ nói đã sao? Dù Miến có giận cũng chẳng chết cơ mà?

- Lại tôi hỏi nhờ cái này tí, cô Miến?

- ……

- Tôi hỏi…

Miến đứng và Miến quay lại. Ôi chao! nào Câu biết hỏi gì lúc này bây giờ. Vừa rồi nhà giáo đã chỉ có gọi liều một câu lăng nhăng đấy chứ? Nhưng may quá, Miến lại nói trước, nói rằng:

- Bác lại còn hỏi tôi làm gì nữa?

Câu ngẩn ngơ:

- Ô hay Miến giận tôi thật đấy à?

- Nào tôi có dám giận bác đâu?

- Sao Miến lại gọi tôi như thế? Tôi có làm gì để cho Miến giận đâu?Mấy tháng giời nay tôi vẫn mong Miến đến chơi để tôi… Thực anh ta mới nói được mấy câu khéo quá. Hình như Miến đã bớt giận ngay. Miến đứng yên hai tay vân vê lăn tròn cây mía. Khiến câu chú ý đến. Câu hỏi:

- Miến mua mía ở đâu thế?

- Trên chợ.

- Miến đi chợ tối thế hử?

- Không, đi qua chợ thì mua.

- Miến đi đâu về thế?

- ………………………………….

- Miến?

- ……….

- Tôi xin lỗi Miến.

Miến nức nở khóc thành tiếng. Nước mắt chan hòa xuống hai bên má. Nàng lấy giải yếm che mặt, rồi khe khẽ nói:

- Mấy tháng giời nay tôi nghĩ ngợi đau đớn về cậu. Ai lại chơi bời thế bao giờ? Cậu có yêu tôi đâu?

- Miến đừng nói thế oan tôi. Thực quả tôi…

Câu khẽ cầm tay Miến, Miến ngoái đi. Nhưng ngoái khẽ cho là có việc – mà bàn tay mình vẫn nằm trong bàn tay bạn – Và miệng nàng mỉm cười…”

Mối tình tuy chưa thành tựu, Câu vẫn chưa bao giờ dám nghĩ đến. Chung qui vì nghèo, nghèo bị bóc lột do chế độ chính trị áp bức và bị tước thặng dư giá trị. Câu nhìn cảnh vợ con bạn như Hoạnh, tự làm khổ mình, lại mang cả hình hài nghèo khổ của vợ con tròng vào cổ. Tô Hoài cho nhân vật Câu sống bằng lý tưởng, mơ mộng. Đoạn văn dưới đây tả cậu giáo được cô Miến tặng cho một bọc giấy gói nho nhỏ. Chao ôi! Nói sao hết nỗi lòng Câu yêu cô Miến lúc ấy, qua ngọn bút tài hoa không ai có thể viết giống như Tô Hoài:

“...Giáo Câu mở cái bọc giấy. Một sợi chỉ se bằng mấy dặm tơ vàng buộc chéo ngang bốn góc. Tờ giấy mở ra. Nhà giáo thấy một cái khăn mùi soa rất đẹp, rất quý và một lọ nước hoa bọc giữa chiếc khăn. Xung quanh bốn bề viền xun xoăn những sợi chỉ bóng nhoáng và hồng hồng. Mấy chiếc lá xanh tươi, một chiếc nụ, một cái hoa đỏ rực rỡ. Đưa lên mũi, thoảng trong khăn có mùi hoa thơm thơm. Còn lọ nước hoa, lọ nước hoa nhỏ xinh bằng gai ngón tay chụm một. Màu nước vàng, ngoài lọ dán mảnh giấy bạc. Cầm trong mấy vật báu của người yêu gửi tặng, Câu sung sướng bâng khuâng, đờ đẫn cả người, đầu óc rối beng, không biết nghĩ ngợi thế nào. May anh ta mới nghĩ được một câu rất dễ dàng rằng:

- À nước hoa, khăn mặt của Miến sú-vơ-nia đấy.

Đêm ấy, tám giờ tối, giáo Câu đã mắc màn đi nằm. Anh mang cả chiếc khăn mặt và lọ nước hoa vào màn. Cái khăn mùi soa phủ kín lên mặt. Anh nằm say sưa lơ mơ. Cứ thế, vui ngủ quên lúc nào không biết…”

Dòng viết kỷ niệm Tô Hoài tả trên đây gây cho người đọc niềm vui lâng lâng bề ngoài, nhưng đau đớn ngấm ngầm. Chỉ vì nghèo, nuôi mộng nghèo, hình ảnh đáng thương kiếp người nghèo phản ánh trong văn chương. Phải có giọng văn căm thù mới kích thích chống Pháp được! Tô Hoài còn dẫn người đọc bị kích thích lòng căm phẫn ấy, ở giai đoạn cuối:

“…Câu nhìn xuống. Từ nãy, Câu vẫn thấy Miến thu thủ cái gói gì trong bọc áo. Ra cô Miến thu thủ cái gói kẹo dừa kẹo lạc. Nàng lấy trộm một ít cho người yêu sơi chút quà Hà Nội…”

Miến ra Hà Nội và đi làm. Câu đi Hà Nội thăm. Tô Hoài cần kết thúc chuyện tình gái quê dẹp đợi chờ cậu giáo nghèo vì không bao giờ cưới nổi vợ. Hà nội dẫn dụ người thôn quê đến đây sẽ bị vứt vào trong hai hoàn cảnh. Một là tâm hồn biến thể theo đòi lối sống đô thị. Hai là nhìn rõ sa đọa thị thành, tim óc vẫn dắn như đồng. Ở đây Tô Hoài áp dụng trường hợp một, vì đối với Miến mới gây nổi sự căm thù ấy:

“…Năm nay cô ả sắp lấy chồng cậu giáo ạ!

Câu nhỏm dậy:

- Lấy ai hở bác?

- À lại cái món khách ấy. Em chú Sủi…”

Tô Hoài không cần cho người đọc biết kết luận nữa; bởi “cùng tất biến, biết tất thông, thông tất đạt…”

Với cảnh trạng Câu, thì:

“...Buồn hơn nữa, bụng nhà giáo đã hơi đoi đói. Trong túi còn độ bốn hào. Song không kiếm thấy hàng phở. Đêm đã về khuya. Hai vai áo the của Câu ẩm ướt và lạnh ngắt. Không nghỉ, anh cứ đi bạt mạng ra ngoài thành phố. Từ giờ đến sáng mai bao giờ về đến Hạ Nha thì về. Một mình một bóng đi thui thủi. Trên đầu có ông giăng đi theo…”

Nghèo khổ, thất tình, không phải người tình phụ bạc, chỉ vì hoàn cảnh, thế lực đồng tiền làm tan nát mộng lập gia đình. Tô Hoài còn gây căm thù tột đỉnh. Và Câu nhớ đến thư người bạn cũ cùng dạy với Câu, cậu mong bạn tìm việc. Nhưng đợi chờ chỉ vẫn bặt vô âm tín….

Sống dưới chế độ mất tự do, tình yêu, cả hy vọng, sự sống là thừa; chỉ còn đưa đến làm cách mạng. Và tháng tám 1945 đó là Ngày Lớn.

Kết Luận.

Tô Hoài viết truyện ngắn đặc sắc hơn truyện dài, tuy nhiên so văn nghiệp tài năng tác giả, cả hai như đều sở trường. Hầu hết tác phẩm ngắn dài đều nói đến đời sống dân của dân tộc nô lệ. Tô Hoài viết tiểu thuyết giáo dục, mở mang chí phiêu lưu tìm kiếm chân trời, như trong Dế mèn phiêu lưu ký. Vũ Ngọc Phan nhận định về Tô Hoài:

“...Tập O chuột là một truyện ngắn đầu tiên của Tô Hoài và cũng là một tác phẩm tiêu biểu cho lối văn đặc biệt của ông, một lối văn dí dỏm, tinh quái, đầy những vị, màu sắc của thôn quê. Cái tình và cái lẽ phải thực ở lẽ gặp nhau ở chỗ này. Truyện loài vật của Tô Hoài thấp hơn loài người. Trong loài người cũng có hạng gần như loài vật…”

Vũ Ngọc Phan nói đến thế là hết, lẽ ông dám bạo dạn tố cáo người sống thấp hơn vật khi đọc truyện Tô Hoài. Làm sao ông dám phê bình, phân tích tác phẩm, so sánh hoàn cảnh chính trị xã hội thời ấy. Nên đành câm nín mà chỉ dám vào đầu bằng câu như vừa trích trên.

Dưới chế độ bóp chẹt tự do sự cấu tạo tác phẩm chỉ là sự phản bội của phản bội sự thực biểu hiện ngoài đời sống. Sự ngăn cản nghệ sĩ sáng tạo, tất nhiên sẽ có muôn ngàn biểu hiện khác chống đối. Tô Hoài, nhà văn cao trọng có chiếc chiếu riêng như: Nguyễn Tuân, Khái Hưng, Nguyễn Đức Quỳnh. Nguyễn Đình Lạp, Trương Tửu, Nguyễn Công Hoan, Thụy-An Hoàng Dân, Vũ Trọng Phụng... – và không một ai thay thế được ông !(76)

Tiết 4

ĐIỂN HÌNH TẢ CHÂN PHONG KIẾN:

NGUYỄN CÔNG HOAN

(1903 -1977)

Tiểu Sử.

Sinh ngày 8-2-1903 tại Xuân Cầu, Bắc Ninh. Tốt nghiệp Sư phạm, sau chuyên viết chuyện tả chân phong tục, nói về giai tầng thứ bậc giàu nghèo trong xã hội. Là nhà văn nổi tiếng tiền chiến đồng thời với Lê Văn Trương, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đức Quỳnh, Khái Hưng, Nhất Linh... Tác phẩm đã xuất bản: Thanh Đạm (1933), Lá ngọc cành vàng (1934), Cô Giáo Minh (1936), Tắt lửa lòng (1936), Tấm lòng vàng (1937), Tơ vương (1938), Bước đường cùng (1938), Tay trắng trắng tay (1940), Chiếc nhẫn vàng (1940), Nợ nần (1940), Trên đường sự nghiệp (1941), Tranh tối tranh sáng (1946), Ép duyên (1948)... và truyện ngắn truyện dài đủ cả, như Những cảnh khốn nạn, Kép Tư Bền, Sóng vũ môn v.v.

Nhà văn tả về giai cấp phong kiến, đôi khi cho nhân vật nghèo nàn có chí lớn như trong Tắt lửa lòng, điển hình ở loại này phải kể đến tác phẩm trên. Trong Thanh Đạm, tả về thời quan lại đê hèn nô lệ Pháp, nhưng trong số ấy có một quan điển hình trung thực thanh liêm; mà tác giả cho rằng như thế là cảnh tỉnh kẻ khác.

Cứ như chứng minh trên hoặc hầu hết văn phẩm Nguyễn Công Hoan, thì ông là kẻ chỉ muốn xét lại, cải cách hơn là phiến loạn; chưa thể gián tiếp thúc đẩy tư tưởng cách mạng như Tô Hoài.

Cô Giáo Minh, nàng thiếu nữ cấp tiến yêu chồng vì bổn phẩn, nhưng thực ra không yêu chồng đúng nghĩa; mà hướng về tình nhân lý tưởng. Cũng vẫn là thái độ cải cách gia đình. Cuốn sách bị báo chí lên án là đạo văn từ Đoạn Tuyệt của Nhất Linh.

Tấm Lòng Vàng, loại truyện giáo dục rèn chí khí chịu đựng của bước đầu gian nan; có báo hiệu tương lai tốt đẹp. Vũ Ngọc Phan phân tích loại truyện này, dựa vào thực trạng quá thật; nên ông đả kích phần hướng thượng tác giả: “...Văn học sử Việt Nam ai cũng làm được công việc ấy, làm gì có báo khen tặng hàng cột dài...” Tổng thể nhận định, Tấm Lòng Vàng là cuốn truyện giáo dục giá trị cho lớp người mai hậu; cũng như phản ánh chất liệu thời niên thiếu tác giả. Tâm tưởng khắc khoải, tự lập, tình tiết phấn đấu trong Tấm Lòng Vàng chung cảnh với Nguyễn Công Hoan, có Nguyễn Đức Quỳnh qua bộ Thằng Cu So, Thằng Phượng, Thằng Kình.

Lá ngọc cành vàng, truyện tình giai cấp giữa giàu nghèo, thanh niên nghèo yêu con gái giai cấp phong kiến, rồi đành chịu bó tay trong cảnh nghèo không dám bước lên cao. Tất nhiên, kết luận bao giờ cũng là tan vỡ.

Tiền chiến, Nguyễn Công Hoan là nhà văn điển hình cho lối tả chân phong kiến, chống bất công xã hội nhưng chỉ là cải cách, xét lại. Ông là nhà văn có giá trị tiêu biểu ở khuynh hướng trên.

Phê bình ông; có Vũ Ngọc Phan rồi đến Thái Phỉ... Ở đây chỉ trích dẫn nhận định Thái Phỉ trên báo Tân Văn.

Thái Phỉ cho Nguyễn Công Hoan phải được phê bình, đúng nên mượn câu nói của Musset nói về vở kịch Misanthrope của Molière: “...Cái vui hùng tráng ấy buồn thảm sâu sắc đến nỗi rằng ta vừa cười xong lại muốn khóc liền...(77)

Tiết 5

ĐIỂN HÌNH TIỂU THUYẾT TRƯỜNG GIANG

LÊ VĂN TRƯƠNG

(1893 – 1964)

Tiểu Sử.

Sinh năm 1893, nhà văn nhiều tuổi bậc nhất trong số nhà văn tân học, đã sản xuất số truyện kỷ lục nhiều nhất Việt Nam. Có thể nói rằng ông mở xưởng viết như một giòng họ Alexandre Dumas ở Pháp vào thế kỷ trước. Ngoài đời, ông đã mở xưởng viết ở Láng, thu thập tác phẩm anh em sửa lại và ký tên Lê Văn Trương, đồng thời trả tiền công cho họ. Có như vậy, các nhà xuất bản khi ấy ở Hà Nội mới nhận in và ký tên ông sách bán mới chạy. Tư liệu này, tôi viết theo Dự Nhượng, cộng tác vai em với ông, sau chủ trương báo Thanh Niên Hà Nội. (1952 –1953). Lê Văn Trương mất trong sự nghèo đói ở Sàigòn năm 1964.

Nói đến tác phẩm chính của ông, như: Trước cảnh hoang tàn (1934), Đứa cháu đồng bạc (1939), Tôi thầu khoán (1940), Một tội ác (1941), Một cuộc săn vàng (1941), Đầu bạc đầu xanh (1942), Hai người bạn (1942), Kẻ đến sau (1942, Bóng hạnh phúc (1942), Sau phút sinh ly (1942), Sợ sống (1942), Cô Tư Thung, Một Người, Một người cha, Trong ao tù Trưởng giả, Tôi Và Mẹ, Ngựa đã thuần mời ngài lên yên. Cánh sen trong bùn, Một lương tâm trong gió lốc, Hận nghìn đời, Trường đời, Bốn bức tường máu, Tôi là mẹ, Người vợ lý tưởng, Người chồng lý tưởng, Ái tình muôn mặt, Người vợ thứ năm, Chặt xích, Cô nàng Mường Koòng, Nợ giết người, Ba ngày luân lạc, Những thiên tình hạn, Kẻ si tình, Cánh tay, Con Đường đốc, Đồng tiền xiết máu, Tình trẻ lòng già, Trận đời I, II, III v.v. Thành thật mà nhận chúng tôi không thể đọc hết tác phẩm của ông. Và chỉ hai chục cuốn có thể là tiêu biểu. Và tác phẩm của ông nằm trong đề mục khêu gợi tình ái, mạo hiểm, du lịch... mang tâm trạng nhân vật anh hùng rơm. Từ Trận đời của buổi gặp gỡ trên xe đi Cao Miên, mở cuộc buôn bò, chàng gặp thiếu nữ, bằng cách nàng tát chàng một cái, vì thái độ vô lễ của chàng, rồi yêu, rồi chàng lại lập đồn điền ở gần ngay nhà nàng…. Thôi thì đủ hết tình tiết éo le, gây cấn; mà chẳng dựa vào đâu mà để gọi là xây dựng nhân vật tiểu thuyết cả hợp lý hợp tình.

Lan Khai, Vũ Ngọc Phan các tác giả viết về Lê Văn Trương (riêng Lan Khai viết thành sách) phân tích tỷ mỷ. Bạn muốn hiểu xin đọc tác giả ấy. Còn chúng tôi chỉ nhận định tổng quát, Trường Đời có thể gọi là truyện điển hình văn nghiệp của ông. Với Francois Giáp, Khánh Ngọc, Khang quay cuồng trong pha tình ái phiêu lưu, ái tình giai cấp, trọng triết lý hành động (philosophie empirique); tất nhiên là anh hùng rơm thì căn cứ trên hành động; và Khánh Ngọc chán người tình kỹ sư mới ra trường khi chạm thực tế; sau theo người yêu lý tưởng! Khang. Khang, con người thành thạo việc đời như nắm chìa khóa trong tay mở định lý đời qua các mặt chìa khóa. Song Lê Văn Trương có giọng văn hấp dẫn, lôi cuốn say mê người đọc. Không ai chối cãi được một khi đọc xong truyện; thì độc giả sẽ trụy lạc theo tác giả, tác phẩm chẳng có lập ý cao, hướng thượng; hai biết tác giả chẳng có lập ý nào kết luận.

Đọc truyện Lê Văn Trương để giải khuây, thay cho những phút đi xem phim cao bồi bắn súng trên màn ảnh, với cốt truyện có Gary Copper đóng vai chính chẳng hạn.



CÒN TIẾP ...

Trở lại : LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM - Kỳ thứ 15





© CẤM ĐĂNG TẢI LẠI NẾU KHÔNG CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ VÀ NEWVIETART .



TRANG CHÍNH TRANG THƠ CHUYỂN NGỮ TRUYỆN NGẮN NHẬN ĐỊNH