Chỉ biết nhau đôi lần giao lưu văn nghệ mà lần nào anh cũng tặng thơ, lần này đã là lần thứ ba rồi. Tôi quyết phải làm một cái gì đó để... trả nợ bạn bè thơ, làm thơ tặng lại thì tôi ..chịu không “rặn” nổi một câu dở vô cùng, chỉ còn cách là đọc và chia sẻ cùng bạn bè văn nghệ vài điều mình cảm thụ. Tôi biết Đào Hữu Thức có nhiều tài nghệ về nghệ thuật: chơi đàn, sáng tác truyện ngằn, phổ nhạc thơ...nhưng tôi cảm anh là một nhà thơ, chơi với anh cũng chỉ vì yêu thơ, viết về anh đôi dòng cũng từ thơ ấy. Ở đây tôi không dám so Đào Hữu Thức với nhiều bật tiền nhân thơ phú hay những anh tài thơ ca đang lừng lẫy trên văn đàn, chỉ xin góp vài dòng đồng cảm qua đọc thơ anh. Từ trăn trở tập thơ đâù tay “Đêm Thức” đến “Pleiku nhỏ”chứa bao nhiêu là kỷ niệm thời tóc xanh, bây giờ lại chuyển dần ... “để chởm”. Lạ nhỉ! Lần này tôi thật bất ngờ khi nhận tập Thơ thiếu nhi “Bé Kể Cho Nghe”từ tay tác giả tuổi đời đã lục, thất tuần mang tên Đào Hữu Thức, người bạn văn nghệ nơi miền đất lạnh xứ Đà Lạt mộng mơ.
Đoc thơ Đào Hữu Thức nếu không biết rõ về tuổi đời, chắc rằng đọc giả của anh không thể hình dung được chân dung đích thực một Đào Hữu Thức ngoài đời, đời thì già dặn mà hồn thơ rất ngây thơ. Tập thơ đầu tiên “Đêm Thức”(Hội VHNT-Lâm Đồng 2003) đến với tôi chỉ là khúc dạo đầu tiếp cận một giọng thơ hồi tưởng. Anh viết về quê hương cây dừa đất Bình Định một thời có Mẹ, có Cha, có nhiều con người khác nữa của một thuở thiếu thời, anh nhớ từng địa danh thuộc lòng trong ký ức “Quê nhà có một dòng sông/Chăng thơ, chắc lúc phải lòng nên thơ/Khi bên kia mẹ ven bờ/Bên này cha đã ngẫn ngơ tình đầu..”(Sông quê). Quê xưa, bạn cũ hiện về cùng anh thao thức nhớ nhung của thuở thiếu thời nơi miền đất lạnh Đà Lạt, quê hương ôm ấp trong lòng biết bao cái đẹp, rất thơ anh đã thấy một Đà Lạt “Quanh ta hoa lá mầu xanh mướt/Nắng phủ đầy lên dấu chân người/Ta lén lên đồi không ai biét/Vẫn còn nghe tiếng hát rong chơi...”( Đà Lạt-Hát)Ta đã từng nghe Đà Lạt mù sương, u tịch chưa nghe Đà Lạt hát bao giờ, nhưng điều Đào Hữu Thức nói vẫn cứ hồn nhiên nên thơ lắm, bởi những con gió thoảng về rừng thông vi vu cất lên những bản nhạc mời gọi mà anh đã từng một mình trên đồi thông nghe ngóng, ta chờ gì mà không đến Đà Lạt “rong chơi”.
Chỉ một năm sau, Đào Hữu Thức lại ra tập thơ thứ hai “Pleiku Nhỏ”(NXB-Thanh Niên 2004) Bìa sách nhỏ gọn 10x19cm với những bài thơ tuổi học trò cũng đau đáu tuổi hoa niên cắp sách đến trường, Pleiku ghi nhận dấu chân Đào Hữu Thức trên cao nguyên “Bản Thượng”. Nơi này anh đã nhận lấy tình bạn bè, thầy cô với bao người thân thương lạ hoắc mà rung động “Tôi đi học từng ngày/Chị chạy chợ từng phiên/Tôi đi học bằng tuổi xanh của chị/...Chị tôi là cuốn sách đầu tiên/Tôi đã học để trở thành người lớn.( Chị). Những câu thơ đã làm lòng người Pleiku không kiềm được xúc động. Với tôi càng xúc động hơn là khi anh ra tập thơ này, tức tốc từ Đà Lạt khoát chiếc ba lô “thơ” xuống biển Phan Rang tìm bạn bè, chiến hữu tri âm, không bán chỉ tặng thôi. Giai thoại ấy đã làm tôi mến phục, bởi tuổi đời nhà thơ đã không là tuổi học trò.
Hiên giờ tôi có cả ba tập thơ mà tập thơ: “Bé Kể Cho Nghe” của Đào Hữu Thức do NXB Hội Nhà Văn ấn hành 2/2007 còn thơm mùi mực gây cho tôi nhiều ấn tượng về tâm hồn thơ ca Đào Hữu Thức. Anh in cả nghìn cuốn khổ 13 x 19cm, bìa sách đẹp do một hoạ sĩ nhí bé Ngọc Minh vẽ bìa một vườn hoa đủ màu sắc cũng rất trẻ con. Toàn tập thơ có 44 bài, thể thơ đồng dao, thơ năm chữ và có cả thơ lục bát rất dễ đọc dễ nhớ, được viết ra từ những gì anh nghe ngóng, quan sát gần gủi với trẻ, công bằng mà nói thì trái tim Đào Hữu Thức đã hết lòng yêu trẻ, như tâm hồn nhà thơ trở lại thuở ấu thơ.
Bốn mươi bốn bài thơ anh viết về thế giới trẻ con, nó gần gủi làm sao ấy. Tỷ như: Mẹ đội nón bảo hiểm/Bé nhìn mãi chẳng ra/Thế mà Mi Lu biết/ Vẫy đuôi mừng từ xa ( Mẹ Về). Anh hoá thân cũng thật tài, tôi đọc mà có cảm giác lời thơ anh như chính lời nói ngây ngô của bé, nó luôn luôn thắc mắc những điều bé nghĩ mà không cần hiểu lý do “ Chiều nay tan lớp học/ Nắng vàng cũng vừa phai/ Em về nhà với mẹ/ Mặt trời về với ai? (Mặt trời về với ai). Và đây nữa: Bà ơi ra bãi biển/ Bà nhớ cụp ô vào/ Gió chiều nay lồng lộng/ Bà bay mất thì sao? ( Dặn Bà).
Còn rất nhiều những điều “Bé Kể Cho Nghe” về loài hoa, về cây trái, cỏ dại chim thú...Cánh bướm vàng về đậu/ Như hoa nở trên cành/Bướm bay mà em ngỡ/Hoa bay vào trời xanh (Bướm Vàng). “Để đưa những chi tiết đời sống đáng yêu như thế vào thơ, không chỉ có tài năng mà sâu xa hơn: đó là tấm lòng thương yêu trẻ” Nhà thơ Phạm Quốc Ca (giảng viên Trường Đại học Đà Lạt) đã nói về tập thơ: “Bé Kể Cho Nghe” như thế! Và điều làm tôi mến phục là anh cũng vừa giựt giải truyện ngắn của Tỉnh Bình Phước trong đợt thi sáng tác văn học kỷ niệm 10 năm tái lập tỉnh. Anh giành giải Nhất truyện ngắn tác phẩm “Ơn đất Tình người” Hội VHNT tỉnh Bình Phước vừa mới trao tặng ngày 01/01/2007.
Thơ của Đào Hữu Thức có nhiều bài chưa hay, câu từ chưa trau chúôt nhưng tâm hồn cảm xúc thơ anh rất thật, rất dản dị mà từng trải với cuộc sống. Ta cũng có thể cảm thông bởi sau ngày nghỉ hưu anh mới cầm bút, chưa đầy một thập niên mà anh đã cho ra đời ba đứa con tinh thần rất đáng trân trọng. Đây là một con người biết tận dụng vốn sống cuộc đời cống hiến hết mình cho Văn Hoá Nghệ thuật đáng được ghi nhận. Xin cám ơn “bé” Đào Hữu Thức đã cho tôi về với tuổi thơ./.