THƠ & NHẠC ĐOẢN VĂN TRUYỆN NGẮN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC KỊCH NGHỆ ẤN PHẨM LIÊN KẾT


VIỆT VĂN MỚI
TÁC GIẢ & TÁC PHẨM


 



VÕ ĐÔNG ĐIỀN

TIẾNG HÁT CHIM ĐA ĐA

B ài hát Tiếng hát chim đa đa đến nay đã quen thuộc với mọi người, ai cũng yêu thích , có lẽ vì lời ca chân chất dễ hiểu, dễ nhớ, gợi nhớ một mối tình đẹp, tinh khôi trong trắng của đôi trai gái thời thơ ấu …. Chủ đề nầy không mới lắm ! (nếu không nói là đã sáo mòn rồi!?) Nhưng nhạc sỹ Võ Đông Điền vốn là giáo viên văn của trường CĐSP Bình Dương, lại soạn vọng cổ nữa... nên có lợi thế viết ca từ và tạo ra một giai điệu đẹp dễ đi vào lòng người. Do vậy bài hát đã thành công khá sớm. Nhưng sự thành công đó phải kể đến ca sỹ Quang Linh góp công rất lớn. Võ Đông Điền tâm sự : Anh viết bài nầy năm 1993, dựa trên câu ca dao, lời ru xưa quen thuộc:

Đa đa nó đậu cành đa

Chồng gần không lấy sao lấy chồng xa?

Lấy chồng xa là nỗi niềm người con gái ngày xưa,xa mẹ, xa gia đình, mà không biết có hạnh phúc hay không nơi đất khách quê người ?

Bởi vậy họ có một nỗi nhớ nhà day dứt :

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều..

Chim đa đa là theo cách gọi Miền bắc,Miền Nam kêu là con gà gô – vì nó giống như con gà nhà, thường đi ăn riêng rẽ không theo từng bầy,đậu trên các đọt cây tiếng kêu đục trầm nghe rất buồn… Miền Đông ta thường thấy con gà gô xuất hiện ở các vùng đầm trảng, rừng chồi… Đối với vùng Bình Phước, Bình Dương nơi út Điền ( thứ của anh ) từng lăn lộn đi đây đó làm giám khảo thi ca nên con vật nầy không xa lạ gì. ( trước khi được điều sang làm Chủ tịch Hội văn nghệ Bình Dương )

Rồi bài hát nầy lại có một cơ duyên đến với anh.Sau khi sáng tác xong để đó ,tình cờ một bữa về Sài Gòn gặp nhạc sỹ Vy Nhật Tảo đang phụ trách câu lạc bộ sáng tác Nhà văn hoá thông tin TP, anh hỏi :- ông Điền, có bài nào mới không đưa cho tôi tập cho mấy em ca chơi??

Võ Đông Điền liền đưa ngay bài Tiếng hát chim đa đa.( cũng không nghĩ rằng ai ca ). Một bữa Vy Nhật Tảo đang tập cho các em , bỗng ca sỹ Quang Linh vào chơi nghe bài hay hay hợp giọng bèn xin và hát . Rồi sau đó nhạc sỹ Vy Nhật Tảo soạn hoà âm cho Quang Linh hát thu vào đĩa Sài Gòn Audio- Năm 2003 thu trong CD Những cánh diều Quê Hương của Rạng Đông Audio và còn nhiều Hảng đĩa khác...

Từ đó bài hát vang xa đi sâu vào lòng quần chúng, lời nghe dễ thấm: Ngày nào em tuổi mười lăm, em hay nghe tôi ngồi đánh đàn,tiếng đàn làm nỗi nhớ mênh mông… cô gái từ nghe đến ngại ngùng :…em không nghe tôi dạo tiếng đàn mà chỉ nhìn len lén bên sông,,, như thế là rung động là biết yêu rồi.Nhưng họ đã không thành duyên nợ nhau mà sau nàng đi lấy chồng để lại bao ngậm ngùi cho chàng nhạc sỹ… và thời gian sau họ lại gặp nhau trên chuyến đò lênh đênh sông nước:..tình cờ tôi lại gặp em,ta đi chung trên một chuyến đò, con đò chiều đưa khách sang sông- tình cờ ta nhận ra nhau, nghe mênh mông nhớ chuyện hôm nào…để đò chiều sóng vỗ lao xao…. Nàng giờ đã thành thiếu phụ : ầu ơ,! Có con chim đa đa nó đậu cành đa sao không lấy chồng mà đi lấy chồng xa,có con chim đa đa nó hót lời nỉ non sao em nỡ lấy chồng từ khi tuổi còn son.để con chim đa đa ngậm ngùi đành bay xa…..

Nội dung và nhạc điệu gọn gàng ,đơn giản làm lay động lòng người . Thế là bài hát ăn khách, sức lan toả của nó rất rộng và nhanh, hầu như chỗ nào cũng hát (vang xa đến tận ngoài nước): trên các sân khấu, trên nhiều website (như trong nhạcso.net, music.vuilen.com.vn.. ) trong băng đĩa nhạc, cả trong phòng karaoké ..người ta hát ào ào như một cái mode ,sự thành công ngoài ý muốn của nhạc sỹ. Có người từ nước ngoài về thăm quê hương rất thích bài nầy muốn gặp tác giả mà không biết là ai , ở đâu? Nói rằng bây giờ qua bài hát mới nỗi niềm thắm thía của người con gái lấy chồng xa. ( sau nầy anh còn viết thêm một bài nữa: Xin đừng trách đa đa- cũng do Quang Linh hát )

Ngoài ca sỹ Quang Linh người có công đưa bài hát vang xa ,còn rất nhiều ca sỹ khác trong nước và hải ngoại hát… như ca sỹ Thanh Tuyền ca bài nầy cũng hay ( trong album Xa Vắng của Thanh Tuyền )

Bài hát nầy cũng có chuyện vui :Buổi sáng sau khi dự khai mạc Liên hoan âm nhạc do Hội nhạc sỹ tổ chức ở Vũng Tàu ( ngày 1/ 6/ 2007 ) xong, tối đến cả bọn kéo lên phòng của anh Điền ở lầu 3 – phòng 310 -khách sạn Cao Su nhậu với anh gồm có Tôi, soạn giả Thanh Hiền,nhạc sỹ Bùi Đức Thịnh ( Kiên Giang), Hoài Nguyên, Lê Hoàng Minh ( Tây Ninh)… . lúc ngà ngà say hứng lên nhạc sỹ Thịnh bắt bẻ anh,làm thầy giáo Điền bối rối :

- Con chim đa đa tức là con gà gô nó thường kêu chứ đâu có hót được anh Điền? ( trong bài Qua đèo Ngang có câu: thương nhà mỏi miệng cái gia gia..cũng là tiếng kêu của con gà gô!? )Tôi cười dung hoà:- Mấy ông ơi ! Cái ý tứ ngẫu hứng của người nghệ sỹ hơi đâu mà thắc mắc, miễn hay là được. Trịnh Công Sơn từng viết : Có khi nắng khuya hay lên… hay ông Trần Hoàn trong bài Sơn Nữ Ca vô đầu : Một đêm trong rừng vắng ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng… mà cuối cùng lại :..Sơn nữ ơi !hoàng hôn xuống rồi đợi chờ ai đây???? thì đã sao? Cả bọn cùng cười…

Tan Hội nghị , trên đường về chúng tôi ghé quán Ngã ba Vũng Tàu làm một xị trước khi chia tay kẻ về Bình Dương, người đi Tây Ninh. Bắt tay anh tôi cười nói :- Anh tuổi Nhâm Thìn (sinh năm 1952 ) tuổi nầy sướng lắm lại thứ út nữa…Bởi vậy mới làm Chủ tịch Hội Văn Nghệ Bình Dương.Công danh sự nghiệp đã toại, tại sao làm một bài hát có nhiều nỗi niềm thế ??? Đáp lại câu trả lời anh chỉ cười hiền ( Võ Đông Điền hay cười ít nói lắm ).

Vũng Tàu 3/6/2007


----------------------------------------------------------------------------------------------

NGUYỄN DUYÊN
 

THƠ & NHẠC ĐOẢN VĂN TRUYỆN NGẮN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC KỊCH NGHỆ ẤN PHẨM LIÊN KẾT